Bãi bỏ các văn bản do UBND tỉnh ban hành không còn phù hợp với quy định của pháp luật: Thực hiện các quy định của pháp luật, UBND tỉnh ban hành Quyết định bãi bỏ 49 văn bản (gồm 39 Quyết định quy phạm pháp luật, 06 Chỉ thị quy phạm pháp luật, 01 Quyết định và 03 Chỉ thị cá biệt) do UBND tỉnh Kon Tum ban hành từ năm 1996 đến năm 2016 do không còn phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; UBND tỉnh giao thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ lĩnh vực quản lý nhà nước của cơ quan, đơn vị có trách nhiệm rà soát, bãi bỏ hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền bãi bỏ các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các văn bản trên (nếu có). Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 02/9/2017.
Quy định về mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh: Triển khai các quy định của pháp luật, UBND tỉnh ban hành Quy định về mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội do doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân bỏ vốn đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Theo đó, đối tượng và nguyên tắc xét duyệt được thực hiện theo quy định của Luật nhà ở, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ; trường hợp tổng số hồ sơ (hợp lệ) nhiều hơn tổng số căn hộ do chủ đầu tư công bố thì việc xét duyệt, lựa chọn đối tượng thực hiện theo hình thức chấm điểm theo tiêu chí được quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ và các tiêu chí ưu tiên do UBND tỉnh quy định. Về tiêu chí của UBND tỉnh quy định cụ thể: (a) Giáo sư, phó giáo sư; nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú; thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú; nghệ sỹ nhân dân, nghệ sỹ ưu tú; người được khen thưởng Huân chương cao quý của Nhà nước (Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập các hạng, Huân chương quân công các hạng, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc các hạng, Huân chương Chiến công các hạng, Huân chương Lao động hạng Nhất); tiến sĩ; chiến sỹ thi đua toàn quốc: 10 điểm; (b) Người đang thuê (đang sử dụng nhưng đã chấm dứt hợp đồng thuê nhà) nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước mà nhà không còn đủ điều kiện để tiếp tục cho thuê, hoặc nhà nước có chủ trương thu hồi lại nhưng không có khả năng tạo lập được nơi ở mới: 9 điểm; (c) Trường hợp hộ gia đình, cá nhân được hưởng các tiêu chí ưu tiên khác nhau thì chỉ tính theo tiêu chí ưu tiên có thang điểm cao nhất. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31/8/2017.
Sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Đề án cà phê xứ lạnh tại các huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plong: Để việc triển khai Đề án phù hợp với các quy định hiện hành, UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Đề án ban hành kèm theo Quyết định số 33/2013/QĐ-UBND ngày 16/8/2013, cụ thể: (1) Sửa đổi khoản 2 Mục II Phần thứ hai của Đề án "2. Đối tượng hỗ trợ: Hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 (tính từ thời điểm ngày 31/12/2015)”; (2) Sửa đổi, bổ sung ý b điểm 8.1 khoản 8 Mục II Phần thứ hai của Đề án "b) Diện tích hỗ trợ mỗi hộ tối thiểu 0,1 ha, tối đa 0,5 ha đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc nằm trong vùng quy hoạch sử dụng đất trồng cà phê". Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 02/9/2017.
Thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn và giảm thiểu tai nạn bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh: Triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện thành, phố tổ chức triển khai, quán triệt thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 01/6/2016, Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 05/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ và các chỉ đạo của UBND tỉnh về tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn và giảm thiểu tai nạn bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh; tăng cường công tác quản lý vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh.... Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về tác hại và cách phòng tránh tai nạn bom, mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh; các quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, nhất là tại các địa bàn thường xảy ra tai nạn bom mìn trong những năm gần đây và ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường tuyền truyền, hướng dẫn và vận động Nhân dân khi phát hiện bom mìn, vật liệu nổ cần báo ngay cơ quan chức năng thu hồi, xử lý theo quy định. Cùng với đó UBND tỉnh giao các cơ quan liên quan đẩy mạnh việc kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến việc người dân tự ý thu gom, tàng trữ, mua bán, cưa cắt, sử dụng trái phép bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh; xác định nguồn gốc, chủng loại bom mìn, vật liệu nổ gây ra tai nạn để có giải pháp ngăn chặn kịp thời; mở đợt vận động Nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ trong công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; thường xuyên nắm tình hình, vận động các hộ gia đình, cá nhân còn sở hữu các loại vũ khí tự giác giao nộp cho cơ quan chức năng; rà soát, kiểm tra các cơ sở thu mua phế liệu, yêu cầu cam kết không được thu mua các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; mở các đợt cao điểm vận động toàn dân tham gia phát hiện, tố giác các đối tượng sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh và vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; điều tra, làm rõ nguyên nhân các vụ tai nạn do người dân thu mua, sử dụng trái phép bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh, xác định trách nhiệm liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật; tập huấn nghiệp vụ quân khí cho lực lượng trực tiếp làm công tác tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, tiêu huỷ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; tăng cường công tác huấn luyện đối với lực lượng công binh, sẵn sàng làm nhiệm vụ thu gom, xử lý bom mìn, vật nổ khi có yêu cầu; thực hiện rà, phá bom, mìn, đầu đạn còn sót lại trong lòng đất do chiến tranh tại các địa bàn trước đây là căn cứ cách mạng, chiến trường; tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực quản lý vật liệu nổ công nghiệp; chấn chỉnh các đơn vị sản xuất, kinh doanh có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh....
Rà soát, sửa đổi các quy định có liên quan đến công tác kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC): Triển khai thực hiện Nghị định số 92/2017/NĐ-CP ngày 07/8/2017 của Chính phủ, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan liên quan và UBND các huyện, thành phố khẩn trương tổ chức triển khai thi hành, cụ thể: (1) Rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến công tác cải cách và kiểm soát TTHC, bảo đảm cùng thời điểm có hiệu lực thi hành của Nghị định, như: Sửa đổi, bổ sung quy định về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh liên quan đến công tác kiểm soát TTHC, cải cách TTHC và cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC phù hợp với quy định; sửa đổi, bổ sung các quy định về kiểm soát TTHC; các quy định về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính trên địa bàn tỉnh; điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn thuộc huyện liên quan đến công tác kiểm soát TTHC, cải cách TTHC và cơ chế một cửa, một cửa liên thông phù hợp với quy định tại Nghị định; (2) Tổ chức lại Phòng Kiểm soát TTHC thuộc Văn phòng UBND tỉnh, cụ thể: Giao Sở Nội vụ lập quy trình tham mưu UBND tỉnh xem xét, quyết định chuyển giao nguyên trạng Phòng Kiểm soát TTHC thuộc Sở Tư pháp sang Văn phòng UBND tỉnh để thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm soát TTHC, cải cách TTHc, tổ chức triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; giao Văn phòng UBND tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp có phương án tiếp nhận, sắp xếp bảo đảm Phòng Kiểm soát TTHC hoạt động bình thường ngay sau khi nhận bàn giao, không làm gián đoạn công việc chung.
Tập trung triển khai phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017: Nghiêm túc triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Nghị quyết của HĐND tỉnh về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao, đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu tại Nghị quyết của HĐND tỉnh và các Văn bản chỉ đạo UBND tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2017; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các Đề án, chương trình, chính sách của tỉnh; tiếp tục thực hiện tốt các chỉ đạo của UBND tỉnh; triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các nguồn vốn đầu tư phát triển, chương trình mục tiêu quốc gia, vốn trái phiếu Chính phủ, ODA gắn với kiểm soát chặt chẽ chất lượng công trình; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án sử dụng quỹ đất tạo vốn đầu tư kết cấu hạ tầng; thực hiện Đề án tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh tỉnh Kon Tum đến năm 2020; tiếp tục tăng cường công tác chỉnh trang đô thị, lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè và chấn chỉnh các hoạt động gây ô nhiễm môi trường; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh triển khai thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật những vụ việc khiếu nại, tố cáo ngay từ khi phát sinh....
Thực hiện hiệu quả việc phát triển kết cấu hạ tầng và gắn kết mạng lưới hạ tầng khu vực: Để triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Chính sách phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, gắn phát triển kết cấu hạ tầng trong nước và mạng lưới hạ tầng trong các liên kết khu vực” theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, địa phương tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt các chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ về phát triển kết cấu hạ tầng; đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là theo hình thức hợp tác công - tư (PPP); tiếp tục rà soát quy hoạch các lĩnh vực kết cấu hạ tầng đảm bảo đồng bộ, gắn phát triển mạng lưới hạ tầng trong tỉnh với hạ tầng trong các liên kết với các tuyến quốc lộ, đường cao tốc, đường Hồ Chí Minh... với các nước láng giềng như Lào, Thái Lan, Campuchia và khu vực; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, chủ động xử lý ngay những vấn đề vướng mắc liên quan đến tiến độ và chất lượng công trình; rà soát, tham mưu cấp có thẩm quyền điều chỉnh, phân kỳ đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng, đảm bảo đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, phân tán; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng góp phần nâng cao chất lượng công trình, hạ giá thành sản phẩm, rút ngắn thời gian thi công và tiếp cận được các công nghệ mới từ các nước phát triển.... Cùng với đó, các cơ quan liên quan cần triển khai các dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư, các dự án có thể xã hội hóa để huy động từ các nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông của địa phương; tiếp tục củng cố và đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan, xây dựng hành lang giao thông qua tám tỉnh thuộc ba nước; triển khai có hiệu quả các dự án liên kết hợp tác, đầu tư xây dựng giữa tỉnh Kon Tum với các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và một số tỉnh của Thái Lan trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây; xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực vào đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; triển khai thu hút đầu tư, phát triển du lịch, gia tăng sự lưu chuyển người, phương tiện và hàng hóa giữa Việt Nam và các nước trong khu vực; ưu tiên bố trí các nguồn vốn vượt thu để đầu tư phát triển các công trình kết cấu hạ tầng theo quy định; đề xuất xây dựng, nâng cấp các Quốc lộ 14C, 24, 40, 40B, đường Hồ Chí Minh...; nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải giao thông công cộng; đầu tư, phát triển hạ tầng logistics, nhất là hạ tầng giao thông vận tải và hạ tầng kho bãi, ứng dụng công nghệ mới trong logistics; xây dựng hạ tầng kỹ thuật bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin đồng bộ với hạ tầng giao thông và hạ tầng cấp điện theo quy hoạch được duyệt...
Cải cách thủ tục hành chính để hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp: Triển khai Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 06/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ và phạm vi quản lý của đơn vị mình, chủ động tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ, Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 06/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình hành động số 1828/CTr-UBND ngày 8/8/2016 của UBND tỉnh; chủ động tham mưu UBND tỉnh triển khai các biện pháp hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, nhất là trong cải cách TTHC. UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổ chức đánh giá thực chất kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; trên cơ sở đó, đề xuất và kiến nghị triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường hoạt động của các Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp thuộc tỉnh: Trên cơ sở báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan đẩy nhanh tiến độ điều tra, định giá rừng trồng là rừng sản xuất phục vụ giao vốn cho các Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp thuộc tỉnh để các đơn vị có cơ sở triển khai thực hiện phương án kinh doanh rừng trồng theo quy định; yêu cầu các công ty TNHH MTV Lâm nghiệp thuộc tỉnh phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, địa phương trong công tác giải quyết các vướng mắc về đất đai, quản lý, bảo vệ rừng và đất rừng; giao Chi cục Kiểm lâm tỉnh có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ các công ty TNHH MTV Lâm nghiệp thuộc tỉnh trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng.
Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng tại Vườn Quốc gia Chư Mom Ray: Để chấn chỉnh công tác quản lý và bảo rừng trên lâm phần Vườn Quốc gia, UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc Ban quản lý Vườn Quốc gia Chư Mom Ray tập trung chỉ đạo, giám sát, kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ rừng trên lâm phần được giao quản lý theo các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, chỉ đạo, quán triệt công chức, viên chức, người lao động trực thuộc tập trung thực hiện nhiệm vụ được giao; rà soát củng cố lực lượng tại các Trạm quản lý bảo vệ rừng của đơn vị và thường xuyên tổ chức lực lượng tăng cường tuần tra, truy quét, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng trên lâm phần quản lý theo quy định. UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNN, UBND huyện Sa Thầy chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác phối hợp với Ban quản lý Vườn Quốc gia trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản trên địa bàn quản lý./.