Tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có đồng chí Lại Xuân Lâm - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố và các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo tại Hội nghị, năm học 2016-2017, toàn ngành tiếp tục thực hiện đổi mới hoạt động dạy học, thi, kiểm tra, đánh giá các hoạt động giáo dục theo hướng phát triển năng lực người học. Đặc biệt, kỳ thi THPT Quốc gia 2016 đã được tổ chức an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, nhận được sự ủng hộ tích cực của toàn xã hội; tỷ lệ thí sinh dự thi cao, đạt gần 99%; tổng số thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT là 749.020 thí sinh, đạt tỷ lệ 92,98%. Chất lượng giáo dục, đào tạo từng bước được nâng lên, công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi cơ bản hoàn thành; 63/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 1 và đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS; chất lượng giáo dục toàn diện học sinh THCS, THPT có chuyển biến tích cực; giáo dục đại học được cải thiện; giáo dục vùng khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số, giáo dục hòa nhập được quan tâm, bảo đảm công bằng xã hội trong giáo dục. Các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục cũng được tăng cường, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được bồi dưỡng thường xuyên; cơ sở vật chất, thiết bị trường học được quan tâm; chính quyền các cấp tiếp tục ưu tiên bố trí vốn cho giáo dục, ước chi ngân sách nhà nước cho toàn ngành Giáo dục và đào tạo năm 2016 đạt 20% tổng chi ngân sách nhà nước....
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã chỉ ra 3 mặt hạn chế, trong đó tập trung vào các vấn đề như: công tác xây dựng và thực hiện chính sách còn nhiều bất cập; công tác quản lý và chỉ đạo, điều hành hiệu lực, hiệu quả chưa cao. Công tác quy hoạch hệ thống, phát triển đội ngũ, phân luồng học sinh, dạy và học ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện tự chủ, hội nhập quốc tế, phát triển cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Công tác giáo dục đạo đức lối sống, kỹ năng sống chưa được quan tâm đúng mức, công tác truyền thông giáo dục chưa tốt.
Hội nghị cũng ghi nhận nhiều ý kiến, thảo luận của đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, Sở Giáo dục và Đào tạo, trường đại học, cao đẳng trong cả nước.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Việc đổi mới trong ngành Giáo dục là tất yếu, nhưng việc đổi mới phải có lộ trình, công khai và phù hợp với tình hình đất nước; mọi sự đổi mới phải lấy người học làm trung tâm, phát triển toàn diện các mặt Đức - Trí - Lao - Thể - Mỹ; sự đổi mới này rất cần sự ủng hộ, tích cực vào cuộc của các ngành, địa phương và toàn xã hội. Phó Thủ tướngkhẳng định, chăm lo cho giáo dục là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và của toàn xã hội; giáo dục là quốc sách hàng đầu. Cần phải dạy học sinh biết yêu lịch sử; chú ý giáo dục thể chất để tạo thế hệ thanh niên khỏe mạnh toàn diện; tạo cơ hội bình đẳng trong tiếp cận giáo dục, nhất là với trẻ nghèo vùng sâu, xa, dân tộc ít người…. Phải đảm bảo chất lượng giáo dục đại học, nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu xã hội và thị trường lao động; trình độ đào tạo phải hướng tới công dân toàn cầu, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong năm học mới, toàn ngành Giáo dục cần tập trung triển khai sâu rộng các nhiệm vụ trọng tâm; rà soát các văn bản quy phạm pháp luật chưa phù hợp; xây dựng các đề án, chương trình; phát triển đội ngũ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý...