Tiếp và làm việc với Đoàn, có các đồng chí: Nguyễn Đức Tuy - Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Lại Xuân Lâm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố.
Đề tài “Xây dựng mô hình trồng thử nghiệm một số giống nghệ (Curcuma langa) tại Kon Tum” do TS. Dương Ngọc Tú làm Chủ nhiệm đề tài với mục tiêu phát triển cây nghệ thành cây dược liệu tại tỉnh Kon Tum trên cơ sở phát triển giống nghệ có năng suất và hàm lượng Curcumin cao, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho vùng đất có điều kiện phù hợp. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu tiến hành xác định khả năng thích nghi của các giống nghệ trên địa bàn tỉnh Kon Tum; phân tích, đánh giá hàm lượng hoạt chất Curcumin tại vùng trồng thử nghiệm; xây dựng tài liệu kỹ thuật trồng cây nghệ trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong thời gian đến.
Mẫu giống Nghệ vàng bản địa (ảnh phải) và mẫu giống Nghệ vàng nơi khác mang đến trồng tại Kon Tum (ảnh trái)
Qua kết quả nghiên cứu, bước đầu cây nghệ được trồng thử nghiệm tại đất bãi bồi, đất vườn, đất đồi tại các xã Kroong, Vinh Quang, Đăk Cấm, Làng thành niên lập nghiệp (huyện Ia H’Drai) cho thấy giống nghệ bản địa đạt năng suất cao nhất (hơn 30 tấn/ha) và hàm lượng Curcumin đạt 3,11% cao hơn các giống nghệ nơi khác cùng được trồng thử nghiệm.
Đồng chí Lại Xuân Lâm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND tỉnh đã mở ra nhiều hướng nghiên cứu tiếp theo đối với Nhóm nghiên cứu đề tài, như: Trồng ở vùng khí hậu lạnh, thổ nhưỡng khác nhau, nghiên cứu cây nghệ đen của Kon Tum, dùng công nghệ tạo đột biến gen… để nâng cao năng suất, hàm lượng Curcumin; đồng thời, cảm ơn sự quan tâm, hợp tác của Viện Hóa học trong thời gian qua; mong rằng tiếp tục hợp tác trong thời gian đến, nhất là phát triển cây nghệ trở thành một trong những cây dược liệu, cây chủ lực, chiến lược của tỉnh nhằm nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.