Quy chế ban hành kèm theo Quyết định có 04 Chương với 11 Điều; quy định trách nhiệm theo lĩnh vực, địa bàn và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh. Quy chế này áp dụng cho các sở, ban, ngành, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh và UBND các huyện, thành phố; Ban Chỉ đạo 389 tỉnh và Ban Chỉ đạo 389 các huyện, thành phố.
Về trách nhiệm, Thủ trưởng các cơ quan, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao và quy định của UBND tỉnh tại Quy chế, có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thuộc lĩnh vực, địa bàn được phân công quản lý, phụ trách theo nguyên tắc bảo đảm đúng quy định của pháp luật; mỗi địa bàn, lĩnh vực do một cơ quan chịu trách nhiệm chính, chủ trì và tổ chức phối hợp; các cơ quan khác có trách nhiệm phối hợp, tham gia với đơn vị chủ trì. Trường hợp phát hiện vi phạm trên địa bàn hoặc lĩnh vực cơ quan khác chủ trì, cơ quan phát hiện thông báo ngay cho cơ quan có trách nhiệm chủ trì xử lý để phối hợp hỗ trợ hoàn thành tốt nhiệm vụ theo chức năng nhiệm vụ được phân công. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện trong việc chỉ đạo và tổ chức công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn, địa phương mình trực tiếp quản lý; Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh giúp Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm được giao, Thủ trưởng các cơ quan, địa phương có trách nhiệm chỉ đạo các lực lượng chức năng thuộc thẩm quyền chủ động tổ chức việc phối hợp hoạt động.
Về quan hệ phối hợp hoạt động, các cơ quan, địa phương phải tuân thủ các quy định pháp luật, đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao; đảm bảo hỗ trợ, tránh sơ hở, chồng chéo trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Quan hệ phối hợp hoạt động được thực hiện theo nguyên tắc kịp thời, hiệu quả; quá trình phối hợp không gây khó khăn, phiền hà hoặc kéo dài thời gian trong kiểm tra, xử lý hàng hóa buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Việc trao đổi thông tin tội phạm, điều tra, thực hiện các biện pháp công tác nghiệp vụ phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phải bảo đảm quy định về chế độ bảo mật.
Quy chế cũng quy định chi tiết trách nhiệm của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh; trách nhiệm của các sở, ban, ngành có chức năng thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; trách nhiệm của UBND các huyện, thành phố trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả...
Hoạt động phối hợp được thể hiện trên các nội dung: Xây dựng kế hoạch, phương án công tác; Phát hiện, thu thập trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu; Tổ chức tuần tra, thanh tra, điều tra, kiểm tra, kiểm soát nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vụ việc vi phạm về buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, gian lận thương mại; Đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách pháp luật khi phát sinh những vấn đề mới trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, buôn bán, vận chuyển hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả và các hành vi gian lận thương mại khác; Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, xây dựng lực lượng theo yêu cầu công tác; Phối hợp trong công tác thông tin tuyên truyền và phổ biến pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp, của người tiêu dùng....
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/4/2017./.