Mục tiêu cụ thể của Kế hoạch nhằm tập trung thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng logistics trên địa bàn tỉnh, tập trung xây dựng tại khu vực thành phố Kon Tum và Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Bờ Y nhằm nâng cao hiệu quả kết nối giữa tỉnh Kon Tum với các nước trong khu vực tam giác phát triển, các tỉnh Tây nguyên và các tỉnh khu vực đồng bằng duyên hải Miền trung; khuyến khích thành lập các doanh nghiệp dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển dịch vụ logistics theo phương châm hiện đại, chuyên nghiệp nhằm đảm bảo sức cạnh tranh trên thị trường trong nước; ứng dụng các công nghệ mới trong phát triển dịch vụ logistics, tổ chức đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp, có đủ trình độ về logistics, góp phần thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, tái cấu trúc hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.
Kế hoạch đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để tổ chức thực hiện hiệu quả, đó là: (1) Triển khai các chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics (rà soát, ban hành các văn bản triển khai phát triển dịch vụ phù hợp với tình hình thực tế và điều kiện của tỉnh; nghiên cứu, áp dụng triệt để, có hiệu quả các chính sách, pháp luật về phát triển dịch vụ); (2) Đầu tư hạ tầng logistics (thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng; xây dựng các trung tâm logistics tại khu vực thành phố Kon Tum và Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Bờ Y); (3) Nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ (khuyến khích, hướng dẫn doanh nghiệp một số ngành chủ lực của tỉnh áp dụng mô hình quản trị chuỗi cung ứng tiên tiến; từng bước tích hợp sâu dịch vụ với các ngành sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu…); (4) Phát triển thị trường dịch vụ logistics (đẩy mạnh xúc tiến thương mại dịch vụ; thu hút nguồn hàng từ các nước láng giềng qua Cửa khẩu quốc tế Bờ Y vào Việt Nam và ngược lại; hỗ trợ nâng cao hiệu quả khai thác, mở rộng nguồn hàng cho Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y; khuyến khích sự liên doanh, liên kết, cộng tác giữa các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khai thác, sử dụng thế mạnh hiện có của các doanh nghiệp để triển khai, phát triển dịch vụ và mở rộng tầm hoạt động của các doanh nghiệp); (5) Đào tạo, nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực (đào tạo nguồn nhân lực ngành logistics nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho địa phương; có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, các trường để đẩy mạnh công tác đào tạo với nhiều hình thức linh hoạt, cung cấp nhân lực đáp ứng cho ngành)….
UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ được nêu tại Kế hoạch; chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về kết quả thực hiện của đơn vị, địa phương mình. Giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch hành động này; đề xuất cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực xã hội để triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong Kế hoạch hành động; tổ chức kiểm tra, đôn đốc, giám sát quá trình thực hiện Kế hoạch./.