Kế hoạch đề ra các mục tiêu: (1) Nâng cao ý thức trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và nhân dân chủ động phòng ngừa, tích cực tham gia đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật, cảm hóa, giáo dục người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư. (2) Kiềm chế, phấn đấu đến năm 2020 giảm từ 03 - 05% tổng số vụ phạm tội hình sự so với năm 2016, nhất là tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, tội phạm ở các địa bàn trọng điểm; giảm từ 15% đến 20% số vụ án do người chưa thành niên thực hiện và giảm từ 05 - 07% tội phạm xâm hại trẻ em. (3) Hằng năm, tỷ lệ điều tra, khám phá các loại tội phạm đạt từ 75% trở lên, các tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt 95% trở lên; hạn chế phát sinh đối tượng truy nã mới; bắt giữ, vận động đầu thú 30% số đối tượng truy nã hiện có và 50% đối tượng truy nã mới phát sinh; 100% tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố được tiếp nhận, xử lý; tăng từ 05 - 10% tỷ lệ khởi tố điều tra các vụ án về kinh tế, tham nhũng trên tổng số vụ việc được phát hiện; tăng từ 05 - 10% số vụ phạm tội về ma túy được phát hiện, bắt giữ. (4) Giảm tỷ lệ người bị tạm giữ, người bị tạm giam, phạm nhân trốn, chết, phạm tội mới ở nơi giam giữ; giảm tỷ lệ tái phạm tội trong số người chấp hành xong án phạt tù xuống dưới 15%; tư vấn, hỗ trợ tìm việc làm cho 100% người chấp hành xong án phạt tù. (5) Giải quyết, xét xử các vụ án hình sự từ 95% trở lên, phấn đấu đảm bảo ra quyết định thi hành án phạt tù đúng thời hạn đối với 100% số người bị kết án mà bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. (6) Nâng cao năng lực, trình độ, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp đối với cán bộ điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán và cán bộ làm công tác thi hành án.
Kế hoạch đặt ra 06 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, như: (1) Tổ chức quán triệt sâu rộng và tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm tại các cơ quan, đơn vị, địa phương; (2) Phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, chỉ đạo, quản lý, điều hành của thủ trưởng các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác phòng, chống tội phạm; (3) Nâng cao hiệu lực công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và phòng, chống tội phạm; tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện chính sách, pháp luật hình sự, đặc biệt các chính sách trong phòng, chống tội phạm; (4) Tấn công trấn áp các loại tội phạm, tập trung đấu tranh những loại tội phạm nổi lên hiện nay; nâng cao hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử các loại tội phạm; (5) Mở rộng hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm; (6) Hoàn thiện tổ chức, tăng cường đào tạo nâng cao năng lực cho các lực lượng tham gia phòng, chống tội phạm; đầu tư kinh phí, phương tiện, nghiên cứu, áp dụng các thành tựu khoa học, công nghệ vào công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm.
UBND tỉnh giao Công an tỉnh thực hiện nhiệm vụ của Cơ quan Thường trực BCĐ phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân BVANTQ tỉnh điều phối, thống nhất thực hiện Kế hoạch; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, sử dụng đồng bộ các biện pháp công tác, thống nhất quản lý các hoạt động nghiệp vụ về phòng, chống tội phạm, chủ động nắm chắc tình hình, triển khai các kế hoạch, phương án đấu tranh, ngăn chặn, kiềm chế, giảm các loại tội phạm; tích cực tấn công trấn áp các loại tội phạm, nhất là các ổ nhóm tội phạm, tội phạm kinh tế, môi trường, tội phạm ma túy, mua bán người, đặc biệt ở các địa bàn trọng điểm; phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, nhất là các vụ án trọng điểm….