Mục tiêu cụ thể của Chương trình nhằm tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc phát triển ngành công nghiệp môi trường; lựa chọn, kêu gọi đầu tư, phát triển các doanh nghiệp công nghiệp môi trường, các tổ chức nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ môi trường đủ năng lực đáp ứng cơ bản nhiệm vụ bảo vệ môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên; ứng dụng có hiệu quả các công nghệ xử lý, tái chế chất thải, phân tích, quan trắc, giám sát và kiểm soát ô nhiễm môi trường, công nghệ sử dụng bền vững tài nguyên và phục hồi môi trường phù hợp với điều kiện của địa phương; đẩy mạnh ứng dụng các kết quả nghiên cứu, phát triển công nghệ tiên tiến, hiện đại; phát triển dịch vụ môi trường cơ bản đáp ứng nhu cầu của xã hội về xử lý nước thải, chất thải rắn đô thị, công nghiệp, chất thải nguy hại; phục hồi môi trường các khu vực bị ô nhiễm và nhu cầu phân tích, quan trắc môi trường và các dịch vụ tư vấn về môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên, năng lượng….
Nhiệm vụ chủ yếu của Chương trình thực hiện, đó là: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách, pháp luật của Chính phủ về công nghiệp môi trường; đẩy mạnh công tác tổ chức, hoàn thiện công tác quản lý về công nghiệp môi trường; phát triển công nghệ bảo vệ môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên và phục hồi môi trường; đẩy mạnh việc phát triển các doanh nghiệp công nghiệp môi trường và các hoạt động chế tạo thiết bị, cung cấp sản phẩm và dịch vụ môi trường; phát triển hoạt động dịch vụ môi trường; thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp môi trường; đào tạo nhân lực, nâng cao nhận thức, năng lực phát triển ngành công nghiệp môi trường.
Chương trình đề ra 04 giải pháp cơ bản để thực hiện, cụ thể: (1) Giải pháp về tổ chức, quản lý và cơ chế, chính sách như tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm; lồng ghép việc phát triển ngành công nghiệp môi trường vào các chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh xã hội hóa nhằm thu hút, tăng cường và đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư; khuyến khích việc thành lập các tổ chức dịch vụ tư vấn môi trường; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; (2) Giải pháp về đầu tư, tài chính và thị trường như có chính sách hỗ trợ, cho vay ưu đãi; khuyến khích đầu tư phát triển ngành; ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường; khuyến khích các tổ chức, cá nhân lập quỹ bảo vệ môi trường; tạo điều kiện thuận lợi, đầu tư phát triển thị trường; (3) Giải pháp về khoa học và công nghệ, đó là đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao có hiệu quả các công nghệ mới, sản phẩm mới; khuyến khích áp dụng công nghệ, máy móc, thiết bị, sản phẩm bảo vệ môi trường tiên tiến, hiện đại phục vụ phát triển; gắn kết chặt chẽ các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ của các Viện, Trường, trường Đại học…; (4) Giải pháp về hợp tác Quốc tế và phát triển nguồn nhân lực, tăng cường việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, đề tài, dự án hợp tác với các nước trên thế giới và trong khu vực; thu hút và có chính sách ưu đãi đối với chuyên gia bậc cao, người có trình độ cao về lĩnh vực môi trường; đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp môi trường.
UBND tỉnh giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện và kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Chương trình; định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh./.