Quy trình này quy định về trình tự hỗ trợ kinh phí và tổ chức thực hiện công tác khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh Kon Tum với mục tiêu việc khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo phương châm “bốn tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, vật tư phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ) để khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất; trường hợp thiệt hại do thiên tai gây ra với quy mô lớn, ngoài khả năng khắc phục của ngành, địa phương, kịp thời đề nghị cấp trên xem xét hỗ trợ.
Việc khắc phục thiên tai được xem là cần thiết, cấp bách cần phải xử lý ngay, gồm: Tiếp tục triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ và hỗ trợ tâm lý để ổn định đời sống của người dân; hỗ trợ trực tiếp cho nhân dân (hỗ trợ nhà sập, tốc mái, người chết, bị thương, lương thực, thực phẩm, giống cây trồng, vật nuôi, khôi phục đất sản xuất, cứu đói, cứu rét); thực hiện vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, khám chữa bệnh cho nhân dân; sửa chữa, khôi phục, nâng cấp các công trình kết cấu hạ tầng, phúc lợi xã hội (đào, đắp đất, đá sụt lở, gia cố cầu, cống đường giao thông, công trình thủy lợi, nước sinh hoạt, thông tin liên lạc, điện năng, trụ sở làm việc, trường học, bệnh viện, trạm y tế...); các nội dung công việc khác do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định. Về nhóm công việc chưa thực sự cấp bách, như: Đầu tư sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới công trình kết cấu hạ tầng, phúc lợi xã hội có yêu cầu kỹ thuật, điều kiện thi công phức tạp nhằm khôi phục lại hiện trạng ban đầu của công trình, lập dự án di dân, tái định cư…thực hiện trong thời gian dài.
Theo quy trình, khi xảy ra thiên tai, UBND cấp huyện thành lập Hội đồng đánh giá, xác định mức độ thiệt hại; chủ động cân đối sử dụng nguồn ngân sách địa phương quản lý đề ra biện pháp phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai kịp thời có hiệu quả; trường hợp thiên tai xảy ra với quy mô lớn vượt quá khả năng cân đối của ngân sách địa phương, báo cáo tình hình thiệt hại, nhu cầu cứu trợ, hỗ trợ và đề xuất phương án khắc phục gửi BCH Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí cho các địa phương.
Quy trình cũng quy định các nội dung về: Đề xuất giải pháp khắc phục hậu quả thiên tai; Tổ chức thực hiện khắc phục thiên tai khi chưa được cấp thẩm quyền bố trí kinh phí; Tổ chức thực hiện khắc phục thiên tai từ nguồn kinh phí được cấp có thẩm quyền giao; Lập dự án, thiết kế, dự toán thực hiện các công việc cần thiết, cấp bách; Cấp phát, nghiệm thu, thanh quyết toán kinh phí... đối với công tác khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01/8/2017 và thay thế Quyết định số 47/QĐ-UBND ngày 12/01/2010 của UBND tỉnh Kon Tum.