Theo Báo cáo, UBND tỉnh đã trả lời, giải quyết 124 ý kiến, kiến nghị của cử tri trước và sau kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh khóa XI thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh; trong đó: đã giải quyết theo thẩm quyền hoặc trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết 58 ý kiến, kiến nghị; giải trình và thông tin đến cử tri 65 ý kiến, kiến nghị; tiếp thu và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị giải quyết 01 ý kiến, kiến nghị.
Các ý kiến, kiến nghị của cử tri tập trung vào một số nội dung và được UBND tỉnh trả lời cụ thể như sau:
1. Việc thực hiện cấp mới, cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chậm ảnh hưởng đến việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất trên địa bàn tỉnh (kiến nghị của cử tri xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô và kiến nghị của xã Hòa Bình, phường Trần Hưng Đạo, thành phố Kon Tum)
a) Kết quả thực hiện: Công ty TNHH MTV địa chính Bình Nguyên thực hiện 05 hợp đồng đặt hàng với Sở Tài nguyên và Môi trường để thực hiện công tác đo đạc, đăng ký, cấp Giấy chứng nhận trên địa bàn 10 xã (06 xã và 02 phường thuộc TP. Kon Tum, 01 xã Tân Cảnh, huyện Đắk Tô và 01 xã Hà Mòn thuộc huyện Đắk Hà). Đến thời điểm hiện tại, Công ty đã hoàn thành hạng mục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận QSD đất, bàn giao cho Phòng Tài nguyên và Môi trường và UBND các xã, phường để tổ chức trao Giấy chứng nhận QSD đất cho Nhân dân theo quy định, kết quả cụ thể như sau: Tổng số hồ sơ kê khai đăng ký 23.246 hồ sơ/46.083GCN/khoảng 30.000 hồ sơ theo Hợp đồng, đạt tỷ lệ 77,5%; Số Giấy chứng nhận đã được cấp có thẩm quyền ký cấp là 10.127 giấy (cấp mới 6.214 giấy, cấp đổi 3.913 giấy). Đến nay đã trao 2.101 giấy; số Giấy chứng nhận còn tồn đọng tại UBND các xã, phường chưa trao là 8.026 giấy. Còn tồn 13.119 hồ sơ đã kê khai đăng ký.
b) Hạn chế:
- Khối lượng hồ sơ đăng ký cấp Giấy chứng nhận trình UBND cấp xã và Phòng Tài nguyên và Môi trường thẩm định chưa đủ điều kiện là 13.119 hồ sơ, do người sử dụng đất không cung cấp được các văn bản chứng minh nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất; một số hộ sử dụng đất theo chính sách giao đất, giao rừng, phù hợp với quy hoạch kế hoạch sử dụng đất nhưng không được xem xét hợp thức hóa; vướng về hạn mức công nhận quyền sử dụng đất; vướng về chồng lấn đất lâm phần quản lý của các Công ty lâm nghiệp và trong thời gian đăng ký cấp Giấy chứng nhận tập trung từ năm 2013 đến nay, nhiều hộ gia đình, cá nhân rút hồ sơ để tự bổ sung trình trực tiếp UBND xã và Phòng Tài nguyên và Môi trường để được cấp Giấy chứng nhận (không xin cấp tập trung nữa).
- Khối lượng 8.026 Giấy chứng nhận đã được cấp có thẩm quyền ký cấp nhưng UBND cấp xã vẫn chưa trao cho người sử dụng đất do người sử dụng đất chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính tại các Thông báo thuế do Chi cục thuế ban hành; ngoài ra, có một số chủ sử dụng đất thuộc đối tượng được miễn, giảm tiền thuế đất hằng năm nhưng Chi cục thuế chưa hoàn thành các thủ tục miễn, giảm nên chưa có cơ sở trao Giấy chứng nhận.
- Riêng tại thành phố Kon Tum, quyết định xử phạt của Chi cục thuế thành phố về truy thu thuế sử dụng đất hằng năm, thuế đất nông nghiệp với số tiền có hộ lên đến hàng chục và trên một trăm triệu (tập trung đa phần là hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ cận nghèo,… không đủ khả năng về tài chính để nhận GCN) nên ảnh hưởng đến việc người sử dụng đất không tiếp tục đến để đăng ký đất đai và xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
c) Nguyên nhân:
- Sở Tài nguyên và Môi trường (đơn vị chủ đầu tư) đồng thời là cơ quan tham mưu trực tiếp triển khai thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua đôn đốc thiếu quyết liệt và hướng dẫn chưa kịp thời.
- Năng lực của đơn vị tư vấn còn hạn chế (công tác đăng ký, lập hồ sơ cấp GCN; nhân lực và trang thiết bị chưa đảm bảo).
- Nhận thức về trách nhiệm của UBND cấp xã, huyện đối với dự án chưa đầy đủ, nên chưa có sự quan tâm phối hợp kịp thời.
d) Giải pháp trong thời gian tới:
- UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương khắc phục những hạn chế đã nêu; chỉ đạo các đơn vị tư vấn thực hiện chốt toàn bộ khối lượng công tác đăng ký đất đai, lập hồ sơ địa chính cấp Giấy chứng nhận để nghiệm thu và bàn giao sản phẩm theo quy định. Đồng thời phối hợp với cơ quan thuế rà soát những vướng mắc để giải quyết trong thời gian sớm nhất.
- UBND các huyện Đăk Hà, Đăk Tô và thành phố Kon Tum phối hợp với Sở Tài nguyên môi trường, Cục Thuế tỉnh chỉ đạo các Chi cục thuế khẩn trương giải quyết các chế độ chính sách về thuế theo quy định, đồng thời sớm tổ chức trao Giấy chứng nhận đã ký cho người sử dụng đất theo quy định.
2. Các kiến nghị liên quan đền bù, bồi thường do thi công đường Hồ Chí Minh của cử tri các xã, thị trấn dọc đường Hồ Chí Minh (kiến nghị của cử tri các xã, thị trấn dọc đường Hồ Chí Minh)
a) Về kiến nghị kiểm tra, xem xét sớm hỗ trợ hoặc bồi thường cho người dân bị nứt nhà trong quá trình thi công đường Hồ Chí Minh:
Việc thi công đường gây nứt, lún nhà là vấn đề phát sinh trong quá trình thi công công trình (cũng là vấn đề phát sinh chung của nhiều tỉnh). UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải kiểm tra, rà soát, xác minh và lập biên bản 744 trường hợp bị ảnh hưởng nứt nhà, lún nhà... trong quá trình thi công công trình đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 24 đoạn qua địa bàn tỉnh và báo cáo Bộ Giao thông vận tải (Báo cáo số 48/BC-SGTVT ngày 07/02/2017 của Sở Giao thông vận tải) để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho chủ trương xử lý đối với các trường hợp bị ảnh hưởng gián tiếp trong quá trình thi công tuyến đường Hồ Chí Minh (đoạn Tân Cảnh - Kon Tum) và Quốc lộ 24 (đoạn qua tỉnh Kon Tum). Đồng thời, Sở Giao thông vận tải đã gửi dự toán hỗ trợ các nhà dân bị ảnh hưởng của dự án trên thuộc thẩm quyền hỗ trợ, bồi thường của Tổng Công ty bảo hiểm Bảo Việt, nhưng đến nay Tổng Công ty bảo hiểm Bảo Việt vẫn chưa có ý kiến.
Do đó, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo triển khai thực hiện hỗ trợ đối với các trường hợp bị ảnh hưởng gián tiếp nêu trên sau khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành Trung ương có liên quan.
b) Về kiến nghị một số đoạn rãnh dọc, một số đường đấu nối chưa làm, đấu nối quá cao làm hư hỏng công trình khác của người dân:
- Về thi công một số đoạn rãnh thoát nước dọc theo kiến nghị cử tri, Sở Giao thông vận tải (chủ đầu tư) đã chỉ đạo đơn vị thi công bổ sung hoàn thiện hệ thống rãnh thoát nước dọc đoạn qua địa bàn xã Đăk Hrinh, huyện Đăk Hà, đồng thời hỗ trợ tấm đan BTXM cho các hộ dân làm đường đi vào nhà tại các vị trí xây dựng hệ thông rãnh hở (đã hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng trong tháng 8/2016).
- Theo hồ sơ thiết kế thì tất cả các đường giao, đường dân sinh có trong quy hoạch đấu nối vào đường Hồ Chí Minh đã được thi công vuốt nối theo đúng thiết kế được duyệt, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân. Tuy nhiên, trong quá trình thi công, đơn vị thi công tạo gờ chắn tại một số vị trí để tránh tình trạng nước chảy vào khu vực dân cư, hạn chế tình trạng trôi vật liệu xây dựng khi trời mưa. Đối với các đường dân sinh không có trong quy hoạch đấu nối với đường Hồ Chí Minh thì không được đấu nối.
c) Về kiến nghị hỗ trợ đối với các trường hợp bị ảnh hưởng gián tiếp khi thi công tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Tân Cảnh - Kon Tum (nhà cao hơn hoặc thấp hơn mặt đường, không có đường đi lên, đi xuống...):
Về vấn đề trên, UBND tỉnh đã có Công văn số 172/UBND-KTN ngày 21/01/2016 về việc hỗ trợ hạn chế khả năng sử dụng đất khi thực hiện dự án đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 24 đoạn qua tỉnh Kon Tum. Đồng thời, yêu cầu UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra, đo đạc lập phương án hỗ trợ đối với các trường hợp bị hạn chế khả năng sử dụng đất tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân, đến nay đã thực hiện hoàn thành công tác hỗ trợ trên theo đúng quy định (trừ các hộ nằm ngoài phạm vi thì không được hỗ trợ).
3. Kiến nghị của cử tri liên quan đến việc xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường do các cơ sở chế biến cao su, tinh bột sắn (Công ty TNHH Vạn Lợi, Công ty TNHH Phương Hoa) gây ra trên địa bàn tỉnh:
Hiện nay, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn chưa có kết luận về các trường hợp được thanh tra năm 2016 trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, qua thực tế thanh tra có phát hiện một số tồn tại trong lĩnh vực môi trường và tài nguyên nước đối với các cơ sở được thanh tra. Cơ quan chức năng của tỉnh đã yêu cầu các cơ sở vi phạm thực hiện ngay các biện pháp khắc phục lỗi phát hiện qua thanh tra, kiểm tra; theo đó, hiện nay các đơn vị đã khắc phục hết những vi phạm sau kết quả thanh tra. Ngoài ra, các cơ sở trên hiện đang thực hiện việc nâng cấp hệ thống xử lý nước thải đạt loại A và lắp đặt trạm quan trắc nước thải tự động liên tục theo quy định. Đây là động thái tích cực của doanh nghiệp nhằm thực hiện chủ trương của tỉnh, góp phần hạn chế ô nhiễm, bảo vệ môi trường.
Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện thanh tra, kiểm tra cũng như giám sát việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường của các cơ sở trên; trường hợp phát hiện vi phạm, sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
4. Về kiến nghị liên quan đến một số chế độ chính sách
a) Kiến nghị của cử tri các huyện, thành phố về nâng mức phụ cấp và đối với các chức danh tại xã, tổ dân phố như Phó Công an, công an viên thường trực và tăng số lượng cán bộ thú y, cán bộ Phó chỉ huy Ban Quân sự cấp xã, Công an viên...
Hiện nay, số lượng và mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở nói chung và các chức danh Ban Thú y cấp xã, Chỉ huy quân sự cấp xã theo quy định tại Nghị quyết số 04/2014/NQ-HĐND ngày 11/7/2014 của HĐND tỉnh và Quyết định số 36/2014/QĐ-UBND ngày 21/7/2014 của UBND tỉnh còn bất cập, cụ thể: mỗi xã, phường, thị trấn chỉ được bố trí 01 Phó chỉ huy Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã (mức phụ cấp 1,0), 01 Trưởng ban Thú y (mức phụ cấp 0,8) và 02 Thú y viên (mức phụ cấp 0,4); riêng đối với các xã, phường, thị trấn trọng điểm về an ninh - quốc phòng thì bố trí thêm 01 Phó chỉ huy Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã.
Tuy nhiên, trong điều kiện ngân sách tỉnh còn rất khó khăn, đồng thời, Trung ương đã chỉ đạo hạn chế tối đa việc ban hành các chính sách, chế độ mới làm tăng chi ngân sách nhà nước khi chưa cân đối được nguồn. Do vậy, đề nghị cử tri chia sẻ với khó khăn chung của tỉnh và không tiếp tục kiến nghị nội dung này; khi đảm bảo điều kiện về nguồn ngân sách, UBND tỉnh sẽ chủ động trình HĐND tỉnh xem xét tăng số lượng và mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách cho phù hợp.
b) Cử tri phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum đề nghị UBND tỉnh trích ngân sách hỗ trợ cho đối tượng chính sách trong các dịp lễ, tết với mức từ 100.000 đến 200.000 đồng.
Trong những năm qua, hằng năm vào dịp Tết Nguyên đán và kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sĩ, người có công trên địa bàn tỉnh được tặng quà của Chủ tịch nước với mức như sau: cán bộ tiền khởi nghĩa, Mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang, thương binh - bệnh binh - người nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ 81% trở lên 400.000đ/suất; thương binh - bệnh binh - người nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ 80% trở xuống, Thân nhân liệt sĩ và đại diện gia đình thờ cúng liệt sĩ 200.000 đồng/suất.
Trong khả năng ngân sách tỉnh còn khó khăn, hằng năm UBND tỉnh phân bổ kinh phí tặng quà cho các đối tượng người có công tiêu biểu (mỗi huyện 10 suất) với định mức 500.000 đồng/suất (trong đó hiện vật = 200.000 đồng, tiền mặt = 300.000 đồng). Ngoài ra, UBND tỉnh sẽ cân đối tặng quà cho đối tượng chính sách vào những năm chẵn (05 năm một lần) và mức quà tặng tùy theo khả năng ngân sách của tỉnh, dự kiến năm 2017 kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh liệt sĩ sẽ hỗ trợ các đối tượng là cán bộ tiền khởi nghĩa, Mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang, thương binh - bệnh binh - người nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ 81% trở lên với mức 500.000đ/suất; thương binh - bệnh binh - chất độc hóa học có tỷ lệ 80% trở xuống, Thân nhân liệt sĩ và đại diện gia đình thờ cúng liệt sĩ với mức 300.000 đồng/suất.
c) Cử tri xã Đăk Cấm, thành phố Kon Tum kiến nghị: hiện nay, những người hoạt động bán chuyên trách cấp xã đã được đóng BHXH bắt buộc từ ngày 01/01/2016 (theo Luật BHXH Việt Nam năm 2014) nhưng đối với các trường hợp đã ký hợp đồng lao động với UBND cấp xã vẫn chưa được tham gia BHXH bắt buộc. Đề nghị UBND tỉnh xem xét, giải quyết.
Tại Công văn số 4407/BHXH-BT ngày 14/11/2014 Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn giải quyết vướng mắc về thu BHXH, BHYT như sau: Kể từ ngày 01/01/2015, cơ quan Bảo hiểm xã hội không thu BHXH bắt buộc đối với người lao động làm việc theo chế độ Hợp đồng lao động tại cấp xã. Như vậy, trường hợp làm việc theo chế độ hợp đồng lao động ở cấp xã thì không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc từ năm 2015 trở đi. Nếu cá nhân có nhu cầu thì tham gia BHXH tự nguyện theo đúng quy định của Luật BHXH.
5. Các kiến nghị liên quan đến công tác y tế, giáo dục và đào tạo
a) Cử tri xã Kroong kiến nghị việc khám chữa bệnh cho Nhân dân theo Bảo hiểm y tế tại Bệnh viện đa khoa tỉnh chưa công bằng, có hiện tượng ưu tiên trước cho bệnh nhân là người Kinh. Đề nghị UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo khám theo số thứ tự.
Tiếp thu ý kiến của cử tri, Sở Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh kiểm tra, rà soát nội dung cử tri kiến nghị và được Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh khẳng định việc khám bệnh cho người bệnh được thực hiện đúng quy trình một cách công bằng, nhân văn, không phân biệt người dân tộc kinh hay người đồng bào dân tộc thiểu số. Quy trình khám bệnh được thực hiện như sau: Tại quầy tiếp đón người bệnh, nhân viên y tế tiến hành nhập các thông tin cá nhân, thông tin liên quan đến bảo hiểm y tế (trường hợp người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế), chuyên khoa cần thăm khám và các thông tin khác có liên quan. Sau đó, cấp phiếu khám cho người bệnh theo số tự động; dữ liệu người bệnh được thể hiện trên máy tính có kết nối mạng LAN tại các chuyên khoa mà người bệnh cần khám đúng thứ tự trước, sau theo thời gian người bệnh đã đăng ký. Nhân viên y tế tại các buồng khám thực hiện việc khám bệnh theo thứ tự đã được đăng ký. Riêng các đối tượng ưu tiên được khám trước, như: Bệnh nặng, cấp cứu, người tàn tật, trẻ em, người cao tuổi đã được bệnh viện niêm yết công khai tại các buồng khám bệnh.
Đến thời điểm hiện nay, qua kiểm tra, Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện việc khám, chữa bệnh cho người dân đảm bảo công bằng, không phân biệt, đối xử, trừ các trường hợp ưu tiên được bệnh viện niêm yết công khai.
b) Cử tri xã Đăk Năng, thành phố Kon Tum kiến nghị: Hiện nay, thời gian Bệnh viện đa khoa tỉnh cấp giấy ra viện thường là vào lúc 16h30” hàng ngày. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo xem xét, điều chỉnh thời gian cấp giấy ra viện tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của Nhân dân.
UBND tỉnh đã có Công văn số 176/UBND-KGVX ngày 20/01/2017 giao Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo và kiểm tra việc điều chỉnh các thủ tục cấp giấy ra viện theo hướng khi người bệnh hoàn tất các thủ tục thanh toán chi phí điều trị thì cơ sở khám chữa bệnh cấp giấy ra viện tại thời điểm đó.
Sau khi có chỉ đạo của UBND tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã điều chỉnh: Khi người bệnh hoàn tất các thủ tục thanh toán chi phí điều trị theo đúng quy định thì Bệnh viện cấp giấy ra viện tại thời điểm đó. Trường hợp những bệnh nhân khi hoàn tất các thủ tục thanh toán nhưng do điều kiện ở xa nơi cư trú, không thể về trong ngày thì bệnh viện bố trí giường bệnh cho bệnh nhân đến 08 giờ sáng ngày hôm sau.
c) Cử tri xã Mô Rai, huyện Sa Thầy kiến nghị mở phân hiệu trường cấp III tại xã để tạo điều kiện cho con em trong xã được tiếp tục học sau khi hoàn thành bậc Trung học cơ sở.
Trên cơ sở đề xuất của các đơn vị, UBND tỉnh đã cho chủ trương mở 03 lớp nhô cấp Trung học phổ thông (02 lớp 10 và 01 lớp 11) thuộc trường PTDTNT Sa Thầy đặt tại xã Mo Rai tại Công văn số 1026/UBND-KGVX ngày 17/4/2017.
d) Cử tri huyện Đăk Glei kiến nghị tăng chỉ tiêu hàng năm vào các trường DTNT huyện và tỉnh để học sinh DTTS có cơ hội được học tập tốt hơn. Có chính sách ưu tiên đối với học sinh DTTS học giỏi thuộc hộ nghèo được vào học trường DTNT huyện hoặc tỉnh.
Về chỉ tiêu tuyển sinh các trường PTDTNT: Hiện nay, chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm của các trường PTDTNT thuộc tỉnh do UBND tỉnh phê duyệt theo quy định tại Thông tư số 01/2016/TT-BGDĐT ngày 15/01/2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc nội trú. Chỉ tiêu tuyển sinh các trường PTDTNT đã ổn định trong nhiều năm. Việc nuôi dạy học sinh DTTS cần đảm bảo về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc ăn, ở nội trú. Quy mô học sinh và cơ sở vật chất các trường đã được đầu tư ổn định, các trường đã phát huy hết công suất cơ sở vật chất hiện có. Mặt khác, ngân sách chi thường xuyên hằng năm trong giai đoạn ổn định, thu ngân sách của tỉnh chỉ đảm bảo khoảng 30% nhiệm vụ chi của tỉnh, phần trung ương hỗ trợ được chỉ đạo chi vào những nội dung cụ thể.
Hiện nay, nhằm tạo điều kiện cho học sinh DTTS diện khó khăn được đi học, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 116/2016/NĐ-CP hỗ trợ học sinh ăn học tại các trường bán trú hoặc hưởng chế độ bán trú để tham gia học tại các trường phổ thông bình thường. Vì vậy, trước mắt UBND tỉnh chưa tăng chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm đối với học sinh DTNT ở các trường PTDTNT trên địa bàn tỉnh.
Về chính sách đối với học sinh DTTS học giỏi diện hộ nghèo: Hiện nay, chính sách đối với học sinh DTTS học giỏi diện hộ nghèo học trường DTNT được thực hiện theo Thông tư Liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT ngày 29/5/2009 của Liên Bộ Tài chính - Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn một số chế độ tài chính đối với học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú và các trường dự bị đại học dân tộc và Thông tư số 01/2016/TT-BGDĐT ngày 15/01/2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc nội trú. Trong đó, đã có chế độ ưu tiên tuyển sinh và thưởng cho học sinh đạt kết quả học tập và rèn luyện loại khá, giỏi, xuất xắc (400.000 đồng nếu đạt khá; 600.000 đồng nếu đạt giỏi;800.000 đồng nếu đạt xuất sắc).
6. Cử tri xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum kiến nghị cho công khai danh tính của các cơ quan, đơn vị và cá nhân bị xử lý trong công tác phòng chống tham nhũng để Nhân dân biết, giám sát: Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thông tin cá nhân bị xử lý trong công tác phòng, chống tham nhũng. Tiếp thu ý kiến cử tri, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Thanh tra tỉnh công khai cụ thể tổ chức, cá nhân bị xử lý trong công tác phòng chống tham nhũng trên Trang thông tin điện tử của Thanh tra tỉnh.