Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố: (1) Khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Kết luận số 10-KL/TW ngày 26-12-2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí đến cán bộ, đảng viên nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức trong công tác PCTN, lãng phí; (2) Chủ động rà soát, tích cực thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 2679/UBND-NC ngày 31/10/2016 của UBND tỉnh; tập trung nghiên cứu các vấn đề thực tiễn đang đặt ra trong chính sách, pháp luật về PCTN, nhất là trong tiếp nhận, xử lý thông tin, phản ánh về tham nhũng; bảo vệ, khen thưởng người tố cáo hành vi tham nhũng; kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ... (3) Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến giáo dục về PCTN; bảo đảm hoàn thành có chất lượng, hiệu quả kế hoạch công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật năm 2017; ưu tiên các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về PCTN và đưa nội dung PCTN vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng; kịp thời chỉ đạo, định hướng, cung cấp đầy đủ thông tin về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về PCTN, kết quả công tác PCTN nhất là những thông tin được dư luận đặc biệt quan tâm.
UBND tỉnh giao ngành Thanh tra tỉnh khẩn trương triển khai, hoàn thành các cuộc thanh tra theo kế hoạch năm 2017 và chỉ đạo của cấp có thẩm quyền; tăng cường nắm thông tin, tình hình, kịp thời đề xuất các cuộc thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật, nhất là những vụ việc có dấu hiệu sai phạm trong thực hiện các dự án đầu tư, kinh doanh, gây thất thoát tài sản của nhà nước, thua lỗ lớn và bức xúc trong xã hội; chú trọng các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng, lãng phí như: đất đai, tài nguyên khoáng sản, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, công tác cán bộ…; đặc biệt tập trung thanh tra, xử lý nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân có sai phạm, gây thất thoát thua lỗ lớn. Các cuộc thanh tra cần kết luận rõ nguyên nhân của sai phạm, thất thoát, nhất là các trường hợp có tham nhũng, tiêu cực hoặc có sơ hở, bất cập về cơ chế, chính sách dẫn đến thất thoát, thua lỗ lớn; chú trọng thực hiện công tác xử lý sau thanh tra nhằm nâng cao hiệu quả phát hiện hành vi tham nhũng, thu hồi tài sản; phát hiện, kiến nghị khắc phục những sơ hở, bất cập trong quy định về quản lý cán bộ, đảng viên có liên quan trong quá trình thanh tra, kiểm tra, xác minh dấu hiệu sai phạm về kinh tế, tham nhũng, ngăn chặn tình trạng bỏ trốn, tẩu tán tài sản. Nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì phải kịp thời chuyển đến Cơ quan điều tra để tập trung điều tra làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát nhân dân để xử lý kịp thời các vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng được phát hiện trong quá trình thanh tra./.