Theo đó, yêu cầu Sở Nông nghiệp - PTNT chủ trì tổ chức rà soát lại nội dung Đề án chuyển đổi trồng lúa sang trồng cây hàng năm trên đất trồng lúa thiếu nước tưới vụ Đông Xuân đã được phê duyệt tại Quyết định số 1117/QĐ-UBND ngày 22/9/2016 của UBND tỉnh; đánh giá kết quả thực hiện Đề án và kết quả giám sát của Thường trực HĐND tỉnh, khẩn trương tham mưu điều chỉnh Đề án cho phù hợp với tình hình thực tế nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện trong thời gian qua.
UBND tỉnh yêu cầu, trong vụ Đông Xuân 2017-2018, việc tổ chức thực hiện Đề án phải lưu ý các nội dung: (1) Ưu tiên chuyển đổi sang các loại cây trồng có khả năng liên kết, hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất; thực hiện tốt việc chuyển đổi cây trồng có sự liên kết, tham gia của doanh nghiệp, Hợp tác xã, Tổ hợp tác; hộ gia đình được hỗ trợ chuyển đổi để liên kết với doanh nghiệp phải có tâm huyết, nguồn lực đối ứng, cam kết thực hiện nghiêm các điều khoản đã ký kết với doanh nghiệp... (2) Trước khi quyết định chuyển đổi, cần tổ chức kiểm tra, đánh giá sự phù hợp của điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, thời tiết… đối với cây trồng dự kiến chuyển đổi để đưa ra khuyến cáo, tránh thiệt hại cho người dân; nghiên cứu mở rộng đối tượng hỗ trợ chuyển đổi và cây trồng chuyển đổi có giá trị kinh tế cao hơn; (3) Làm việc với các doanh nghiệp để có kế hoạch tham gia thực hiện chủ trương chuyển đổi theo hướng liên kết trong sản xuất, tiêu thụ một số sản phẩm có lợi thế như sắn, mía, trồng cỏ chăn nuôi; (4) Sử dụng cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cán bộ kỹ thuật ngành nông nghiệp của địa phương để tham gia trực tiếp vào Đề án; giao kinh phí trực tiếp về cho địa phương để chủ động thực hiện....
Cũng tại văn bản này, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố chủ trì tiến hành kiểm tra, đánh giá chính xác các điều kiện về thổ nhưỡng, khí hậu và chủ động quyết định việc chuyển đổi loại cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương; triển khai việc chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm trên đất trồng lúa thiếu nước tưới vụ Đông Xuân phù hợp với điều kiện của từng địa phương và định hướng trên, trong đó việc chuyển đổi cây trồng cần phải có sự tham gia liên kết của doanh nghiệp để tăng hiệu quả và tránh thiệt cho người dân; rà soát lại những diện tích chuyển đổi sang trồng sắn hiện nay (chưa thu hoạch), diện tích nào có hiệu quả thì tiếp tục chăm sóc và có giải pháp cụ thể để duy trì diện tích khi không còn sự hỗ trợ của nhà nước, những diện tích không hiệu quả hoặc kém hiệu quả thì chuyển đổi sang các loại cây trồng khác phù hợp và hiệu quả hơn; tổ chức tuyên truyền sâu rộng việc chuyển đổi diện tích lúa Đông Xuân thường xuyên bị thiếu nước sang trồng các loại cây khác để người dân hiểu và tự nguyện, tích cực tham gia, nhằm hạn chế rủi ro và nâng cao hiệu quả sản xuất trên diện tích canh tác, từng bước giảm nghèo bền vững hơn.