Mục tiêu của Kế hoạch là hướng tới 100% đối tượng gặp khó khăn đột xuất được trợ giúp kịp thời; đảm bảo thực hiện đầy đủ chính sách đối với đối với người cao tuổi thuộc diện mở rộng không có lương hưu, trợ cấp, bảo hiểm xã hội của Nhà nước, trẻ em dưới 36 tháng, phụ nữ mang thai thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn được hưởng trợ cấp xã hội theo quy định của Chính phủ; 90% người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội phù hợp với nhu cầu, trong đó tối thiểu 50% đối tượng được cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội toàn diện vào năm 2030.
Để đạt được mục tiêu đề ra, UBND tỉnh chỉ đạo tập trung các giải pháp như: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, sự điều hành và thực hiện của chính quyền trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách trợ giúp xã hội; tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm đội ngũ cán bộ các cấp trong chỉ đạo, huy động nguồn lực và thực hiện trợ giúp xã hội; đổi mới công tác quản lý Nhà nước về trợ giúp xã hội; thực hiện cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, giải quyết, chi trả trợ giúp xã hội.
Đồng thời, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên làm công tác trợ giúp xã hội. Xây dựng mô hình cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội toàn diện, tiếp tục phát huy năng lực, hiệu quả của các cơ sở trợ giúp xã hội hiện có; hỗ trợ các cơ sở trợ giúp xã hội công lập có đủ điều kiện trợ giúp toàn diện cho các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Lồng ghép các nguồn vốn, trong đó đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng hóa nguồn lực thực hiện trợ giúp xã hội, nhất là trợ giúp khẩn cấp…
UBND tỉnh giao Sở Lao động - TBXH chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan, UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện; theo dõi, đôn đốc và định kỳ tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo quy định./.