Theo đó, mục tiêu đến năm 2020, phấn đấu: 80% học sinh, sinh viên được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức tại các thư viện; 15% - 20% người dân trên địa bàn tỉnh được tiếp cận sử dụng thông tin, tri thức và các dịch vụ liên quan tại các thư viện công cộng, trung tâm học tập cộng đồng, điểm bưu điện - văn hóa xã, nhà sách; 40% - 50% người dân có kỹ năng tiếp nhận và sử dụng thông tin, tri thức thông qua việc đọc và học tập suốt đời; 85% người sử dụng thư viện (đối với học sinh, sinh viên là 90%) có kỹ năng tiếp nhận và sử dụng thông tin, tri thức thông qua việc đọc để phục vụ học tập, nghiên cứu và giải trí; đạt mức hưởng thụ bình quân 01 bản sách/người dân trong hệ thống thư viện công cộng, mỗi người dân trung bình đọc 01 cuốn sách/năm; số lượt người truy cập và sử dụng thông tin tại các thư viện đạt 90.000 lượt/năm; 80% cơ sở giáo dục ở các bậc, cấp học có thư viện (trong đó 50% cơ sở giáo dục ở bậc phổ thông có thư viện đạt chuẩn); 90% thư viện công cộng có vốn tài liệu tổng hợp, tài liệu chuyên sâu đủ khả năng phục vụ cho mọi đối tượng...
Kế hoạch đề ra các nhiệm vụ và giải pháp để triển khai trên địa bàn tỉnh, như: (1) Tăng cường thông tin, tuyên truyền; huy động sự tham gia có hiệu quả của các phương tiện thông tin, truyền thông trên địa bàn tỉnh; biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với các tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực trong phát triển văn hóa đọc; (2) Xây dựng thói quen, trang bị kỹ năng và phương pháp đọc: Vận động, khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân duy trì thói quen đọc góp phần xây dựng phong trào đọc sách trong xã hội, xây dựng thế hệ đọc tương lai; tăng cường vai trò của gia đình trong việc hình thành và duy trì thói quen đọc; hướng dẫn kỹ năng và phương pháp đọc phù hợp với từng nhóm đối tượng; (3) Xây dựng cơ chế, chính sách và xã hội hóa nhằm khuyến khích đầu tư phát triển văn hóa đọc; triển khai có hiệu quả chính sách thu hút nguồn lực trong và ngoài tỉnh tham gia phát triển văn hóa đọc; dẩy mạnh các chương trình, đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt có nội dung liên quan đến phục vụ phát triển văn hóa đọc; phát huy vai trò của các doanh nghiệp và cơ sở hoạt động trong lĩnh vực phát hành, kinh doanh xuất bản phẩm đối với phát triển văn hóa đọc trên địa bàn tỉnh; (4) Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thư viện công cộng, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; (5) Nâng cao chất lượng nội dung và hình thức xuất bản phẩm; đa dạng hóa xuất bản phẩm nhất là sách in; phát triển đa dạng các loại sách có nội dung phong phú dành cho các nhóm tuổi; (6) Tăng cường giao lưu văn hóa trong lĩnh vực xuất bản, thư viện và các hoạt động văn hóa khác; tuyên truyền quảng bá các tác phẩm có giá trị của tỉnh, đồng thời lựa chọn các tác phẩm có chất lượng trong nước hay của nước ngoài để giới thiệu, phổ biến trên địa bàn; phối hợp tổ chức hoặc tham gia các sự kiện quốc tế liên quan đến phát triển văn hóa đọc....
UBND tỉnh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ theo Kế hoạch đề ra.