Quy định ban hành kèm theo Quyết định có 06 Chương với 31 Điều, quy định việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư; quản lý nhà nước về đầu tư; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư được áp dụng đối với các dự án có sử dụng các nguồn vốn (a) Nguồn vốn đầu tư công theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 77/2015/NĐ-CP; (b) Nguồn vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư xây dựng cơ bản; (c) Nguồn vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) theo quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP; (d) Các nguồn vốn được Trung ương ủy quyền; (đ) Nguồn vốn đầu tư từ các quỹ tài chính nhà nước của địa phương (trừ phần vốn cho vay) và các nguồn vốn khác có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước của địa phương; (e) Nguồn vốn đầu tư do các tổ chức, cá nhân tài trợ cho các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến xã; (f) Nguồn vốn nhà nước tại các doanh nghiệp do tỉnh quản lý đầu tư.
Theo quy định, Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành là các sở được giao nhiệm vụ quản lý, thực hiện đầu tư xây dựng công trình thuộc chuyên ngành quản lý, cụ thể: (a) Sở Xây dựng đối với các công trình dân dụng, công trình công nghiệp nhẹ, công trình công nghiệp vật liệu xây dựng, công trình hạ tầng kỹ thuật và công trình giao thông trong đô thị (trừ cầu vượt sông, đường quốc lộ qua đô thị); (b) Sở Giao thông vận tải đối với các công trình giao thông (trừ các công trình giao thông thuộc nhiệm vụ quản lý của Sở Xây dựng); (c) Sở Nông nghiệp và PTNT đối với các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn; (d) Sở Công Thương đối với công trình hầm mỏ, nhà máy điện, đường dây tải điện, trạm biến áp và công trình công nghiệp chuyên ngành.
Đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương của địa phương, cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư toàn bộ các dự án có sử dụng nguồn vốn nhà nước thuộc cấp tỉnh quản lý, vốn hỗ trợ từ Trung ương; cấp huyện quyết định chủ trương đầu tư các dự án sử dụng nguồn vốn nhà nước của cấp mình và chủ trương đối với phần vốn nhà nước của cấp mình tham gia đối ứng cho dự án có hỗ trợ vốn từ cấp trên, các dự án nhóm C (không trọng điểm cấp tỉnh) sử dụng nguồn vốn phân cấp đầu tư từ cấp tỉnh; cấp xã quyết định chủ trương đầu tư các dự án sử dụng nguồn vốn nhà nước của cấp mình và chủ trương đối với phần vốn nhà nước của cấp mình tham gia đối ứng cho dự án có hỗ trợ vốn từ cấp trên.
Về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, UBND trình HĐND cùng cấp quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm B và dự án trọng điểm nhóm C của cấp mình (trừ các dự án khẩn cấp và dự án nhóm C có quy mô nhỏ thuộc Chương trình MTQG theo quy định tại Nghị định số 161/2016/NĐ-CP); UBND quyết định chủ trương đầu tư các dự án còn lại.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định đầu tư dự án đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của Chủ tịch UBND tỉnh, gồm: Các dự án nhóm C không trọng điểm (cấp tỉnh) sử dụng nguồn vốn phân cấp đầu tư từ cấp trên; các dự án sử dụng nguồn vốn Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và các dự án sử dụng các nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu khác từ cấp trên cho cấp huyện có tổng mức đầu tư dưới 05 tỷ đồng. Chủ tịch UBND tỉnh giao Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư quyết định đầu tư các dự án có tổng mức đầu tư dưới 02 tỷ đồng. Đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã, thực hiện đúng quy định tại khoản 4, Điều 39, Luật đầu tư công.
Về công tác phối hợp giữa các cơ quan, địa phương trong triển khai thực hiện liên quan đến trình tự thủ tục lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định dự án đầu tư..., UBND tỉnh yêu cầu các tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ hoặc chủ trì chủ động tổ chức triển khai đúng thời gian quy định, chỉ tham mưu UBND tỉnh quyết định (hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định) khi hồ sơ trình phê quyệt đảm bảo đúng, đầy đủ các nội dung và theo trình tự, thủ tục quy định của Quyết định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan; khi nhận được văn bản đề nghị phối hợp hoặc tham gia ý kiến của cơ quan chủ trì, trong vòng 05 ngày làm việc (kể từ ngày nhận được văn bản), đơn vị được đề nghị phải có ý kiến trả lời bằng văn bản cho cơ quan chủ trì, trường hợp phức tạp hoặc ảnh hưởng bởi các nguyên nhân khách quan, cần có thêm thời gian để nghiên cứu, đơn vị phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan chủ trì biết và nêu cụ thể thời hạn sẽ gửi ý kiến trả lời.
Quyết định cũng quy định cụ thể các nội dung về kế hoạch vốn đầu tư công và công tác quản lý dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước; Thi tuyển, tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc công trình xây dựng; Quy định đối với các dự án khai thác quỹ đất; đối với các dự án đầu tư có sử dụng vốn nhà nước của doanh nghiệp do tỉnh quản lý….
Về quy định xử lý chuyển tiếp, quy định nêu rõ (1) Đối với các dự án đang triển khai đầu tư hoặc chưa được đầu tư nhưng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư từ ngày 01/01/2015 trở đi đúng theo quy định của Luật Đầu tư công thì được tiếp tục thực hiện theo các quy định trước đây và theo Quy định này; (2) Đối với các dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư trước ngày 01/01/2015 nhưng đến hết kế hoạch năm 2015 chưa được bố trí vốn thực hiện và các dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư từ ngày 01/01/2015 nhưng chưa đúng quy định của Luật Đầu tư công thì phải lập lại thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, Nghị định 136/2015/NĐ-CP và Quy định này; (3) Đối với các dự án được phân cấp cấp huyện quyết định đầu tư theo quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 10 Quy định này đã được UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư hoặc quyết định đầu tư cần điều chỉnh: các huyện, thành phố căn cứ các nguồn vốn đã được phân cấp và khả năng cân đối, bố trí để chủ động điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh quyết định đầu tư dự án (nếu cần thiết) nhằm đảm bảo dự án hoàn thành đúng tiến độ và phát huy hiệu quả; (4) Đối với các dự án giao Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư quyết định đầu tư theo quy định và đã được quyết định đầu tư, cần điều chỉnh thì Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án theo đúng quy định.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/3/2017; bãi bỏ các Quyết định: Số 28/2011/QĐ-UBND ngày 26/9/2011 của UBND tỉnh về việc ban hành một số quy định về công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quản lý đầu tư xây dựng công trình sử dụng ngân sách nhà nước của tỉnh Kon Tum; Số 64/2014/QĐ-UBND ngày 20/11/2014 của UBND tỉnh Quy định về khai thác quỹ đất để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh Kon Tum, kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành.
Chi tiết văn bản, tải tại đây!