Theo đó, yêu cầu UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp với Trạm Chăn nuôi và Thú y triển khai thực hiện quyết liệt và đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn theo hướng dẫn của ngành Thú y; lập kế hoạch chủ động bố trí lực lượng kiểm soát cố định và cơ động, nhân lực, vật tư, kinh phí nhằm ứng phó kịp thời khi có dịch cúm gia cầm xảy ra, không để dịch lây lan cho người và xảy ra trên diện rộng.
Tăng cường tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về sự nguy hiểm của bệnh cúm gia cầm, các dấu hiệu nhận biết gia cầm nghi mắc bệnh cúm; đồng thời, hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm cúm gia cầm một cách có hiệu quả; khuyến khích người dân báo dịch khi phát hiện gia cầm ốm, chết bất thường; nghiêm cấm việc giấu dịch, bán chạy gia cầm mắc bệnh làm lây lan dịch bệnh; vận động người dân tuyệt đối không giết mổ ăn thịt gia cầm ốm, chết, ăn tiết canh, ăn thịt, trứng gia cầm chưa nấu chín; Thực hiện các biện pháp vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, dụng cụ, khu vực chăn nuôi...theo hướng dẫn của cơ quan Thú y.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát dịch bệnh cúm gia cầm đến từng hộ gia đình, các khu vực có nguy cơ cao để sớm phát hiện gia cầm mắc bệnh và kịp thời triển khai các biện pháp chống dịch khi có dịch xảy ra theo quy định.
Tăng cường công tác kiểm dịch vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm; kiểm soát chặt chẽ việc giết mổ gia cầm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
UBND các huyện biên giới (Ia H'Drai, Sa Thầy, Ngọc Hồi và Đăk Glei) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, Cục Hải quan Gia Lai - Kon Tum: Tuyên truyền sâu rộng đến từng cư dân biên giới để nhân dân giám sát phát hiện, đấu tranh, không tiếp tay cho các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu vào trong nước tiêu thụ. Tổ chức giám sát chặt chẽ tại các thôn, làng, các khu vực tập kết, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm, nhằm phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm khắc, triệt để đối với các trường hợp vi phạm; nghiêm cấm vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới, kể cả hình thức cho, tặng gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới.
Củng cố và kiện toàn các Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên để tổ chức tốt các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành Thú y.
Thành lập hoặc củng cố đội kiểm soát liên ngành các huyện, thành phố để tăng cường kiểm tra các địa điểm buôn bán, tập kết gia cầm sống, các chợ buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không đúng nơi quy định; xử lý kịp thời mọi hành vi vi phạm các quy định về vận chuyển, mua bán, giết mổ gia cầm và sản phẩm gia cầm.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các cơ quan có liên quan chỉ đạo, thực hiện công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm theo quy định.
Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y: Phối hợp với UBND các huyện, thành phố chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh cúm gia cầm và các chủng vi rút cúm lây sang người trên địa bàn. Triển khai kịp thời, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm theo quy định; phối hợp với ngành Y tế triển khai các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm lây sang người. Giám sát tình hình dịch bệnh Cúm gia cầm đến từng hộ gia đình, đặc biệt các địa bàn có nguy cơ cao dễ lây nhiễm để xử lý kịp thời khi có dịch xảy ra. Hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh Cúm gia cầm; vệ sinh, tiêu độc khử trùng những khu vực có nguy cơ cao, chuồng trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ, chế biến gia cầm, chợ buôn bán gia cầm... Phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm; các cơ chế chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên động vật; kịp thời báo cáo, tham mưu đề xuất các biện pháp phòng, chống dịch bệnh về UBND tỉnh biết, chỉ đạo.
Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan truyền thông: Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện sử dụng thực phẩm gia cầm sạch, rõ nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm an toàn thực phẩm; tăng cường kiểm tra việc bảo đảm an toàn thực phẩm, nhất là tại các cơ sở chế biến, tiêu thụ và vận chuyển gia cầm.Thường xuyên theo dõi thông tin về tình hình dịch cúm gia cầm để có các biện pháp chủ động phòng bệnh cho người; chỉ đạo tăng cường giám sát, phát hiện sớm những trường hợp nghi nhiễm cúm A/H7N9, thực hiện việc cách ly và lấy mẫu xét nghiệm theo quy định; kịp thời cấp cứu, tích cực điều trị, hạn chế thấp nhất tổn thất tính mạng và sức khỏe của người dân; cách ly, khoanh vùng xử lý triệt để không để dịch lây lan.
Công an tỉnh, Sở Công Thương (Chi cục Quản lý Thị trường): Bố trí lực lượng phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tham gia công tác kiểm tra, kiểm soát tình hình vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm tại các Trạm kiểm dịch động vật đầu mối (Măng Khênh, Vi Hô Lăk, Sao Mai).
Sở Thông tin - Truyền thông, Báo Kon Tum, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Cổng thông tin điện tử tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để người dân biết, tích cực hưởng ứng và thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm A/H7N9.