Về đối tượng và loại dịch vụ phải trả tiền dịch vụ môi trường rừng, gồm: (a) Các cơ sở sản xuất thủy điện phải chi trả tiền dịch vụ về bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng lòng hồ, lòng sông, lòng suối; dịch vụ về điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất thủy điện; (b) Các cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch phải chi trả tiền dịch vụ về điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất nước sạch; (c) Các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch có hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng phải chi trả tiền dịch vụ về bảo vệ cảnh quan tự nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học của các hệ sinh thái rừng phục vụ cho dịch vụ du lịch; (d) Các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước trực tiếp từ nguồn nước phải chi trả tiền dịch vụ về điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất; (đ) Các đối tượng phải trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng; dịch vụ cung ứng bãi đẻ, nguồn thức ăn và con giống tự nhiên, sử dụng nguồn nước từ rừng cho nuôi trồng thủy sản được quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ.
Hình thức chi trả, chi trả gián tiếp (bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng trả tiền cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng ủy thác qua Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam và Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum).
Mức chi trả: (1) Các tổ chức cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch có hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh, chi trả 1,0% trên doanh thu thực hiện trong kỳ báo cáo tài chính doanh nghiệp; (2) Các đối tượng còn lại, mức chi trả thực hiện theo quy định tại Nghị định số 147/2016/NĐ-CP ngày 02/11/2016 của Chính phủ, Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn hiện hành có liên quan.
Thời gian thực hiện, kể từ ngày 01/01/2017.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 242/QĐ-UBND ngày 27/3/2012 của UBND tỉnh Kon Tum Quy định thu tiền dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh Kon Tum./.