Theo đó, các tổ chức, cá nhân khi thực hiện TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích, có thể lựa chọn một trong 03 hình thức: Gửi hồ sơ giải quyết TTHC; nhận kết quả giải quyết TTHC; gửi hồ sơ và nhận kết quả giải quyết TTHC.
Việc chuyển phát hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính phải đảm bảo các yêu cầu: (1) Bảo đảm chất lượng dịch vụ (an toàn, ổn định, tin cậy, chính xác, thường xuyên, kịp thời) trong việc thực hiện chuyển phát hồ sơ, kết quả; (2) Tiết kiệm chi phí thực hiện TTHC của tổ chức, cá nhân; (3) Tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện TTHC; (4) Bảo đảm vai trò của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích trong việc chuyển phát hồ sơ, trả kết quả giải quyết; sự phối hợp giữa doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích với tổ chức, cá nhân và cơ quan có thẩm quyền trong giải quyết TTHC; (5) Chịu sự hướng dẫn, kiểm tra về chất lượng dịch vụ chuyển phát của cơ quan nhà nước; được hưởng các cơ chế ưu tiên, ưu đãi theo quy định của pháp luật đối với loại hình dịch vụ bưu chính công ích.
Tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ thực hiện việc nộp phí, lệ phí giải quyết TTHC (nếu có) theo các phương thức: Trực tiếp nộp hoặc chuyển vào tài khoản phí, lệ phí của cơ quan có thẩm quyền; trực tiếp nộp hoặc chuyển vào tài khoản của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích để chuyển cho cơ quan có thẩm quyền. Ngoài ra, tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn việc nộp phí, lệ phí giải quyết TTHC bằng phương thức khác được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận.
Quyết định này không điều chỉnh việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC đối với các TTHC yêu cầu tổ chức, cá nhân không được ủy quyền và phải có mặt trực tiếp để giải quyết. Danh mục TTHC không thực hiện và thực hiện theo quy trình tiếp nhận, trả kết quả qua dịch vụ bưu chính sẽ được công bố công khai trên cổng/trang thông tin điện tử của Bộ, ngành, địa phương và cơ quan có thẩm quyền giải quyết TTHC.
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 16/12/2016. Tải văn bản tại đây!