Về quan điểm phát triển: Phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; các chiến lược, quy hoạch phát triển giao thông vận tải của quốc gia và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, vùng Tây Nguyên; Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ một cách đồng bộ trên cơ sở phát huy tối đa các nguồn lực, lợi thế của tỉnh, đặc biệt chú trọng đến các tuyến đường kết nối với vùng KTTĐ miền Trung, vùng Tây Nguyên; Phát triển theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm chi phí vận tải, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vận tải tiên tiến; chú trọng phát triển vận tải hành khách công cộng theo hướng hiện đại, tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện với môi trường; Huy động tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước, đa dạng hoá nguồn vốn đầu tư dưới các hình thức ODA, FDI, PPP đồng thời khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển giao thông vận tải; Dành quỹ đất hợp lý để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và đảm bảo hành lang an toàn giao thông. Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong giao thông vận tải.
Mục tiêu chung: Phát triển giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh theo hướng đồng bộ, hiện đại nhằm phát huy lợi thế về vị trí địa lý của tỉnh là giao điểm quan trọng nối liền các tỉnh Tây Nguyên, Duyên hải Miền Trung, Đông Nam Bộ Việt Nam với các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan trong hành lang kinh tế Đông - Tây. Tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hợp lý, liên thông với mạng lưới giao thông vùng, quốc gia và quốc tế; đa dạng các loại hình vận tải và phương tiện vận tải nhằm thỏa mãn nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách với chất lượng ngày càng cao.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025: Khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt khoảng 21,8 triệu tấn/năm, tốc độ tăng trưởng bình quân 10,9%/năm; khối lượng vận chuyển hành khách đạt khoảng 24,9 triệu HK/năm, tốc độ tăng trưởng bình quân 12,34%/năm. Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bờ Y - Ngọc Hồi - Plei Ku (Gia Lai); đẩy nhanh quá trình đầu tư nâng cấp, mở rộng các quốc lộ qua địa bàn tỉnh và xây dựng tuyến tránh đường Hồ Chí Minh qua thành phố và thị trấn trên địa bàn tỉnh; đưa hệ thống đường tỉnh vào cấp kỹ thuật, nâng cấp tất cả các tuyến đạt tối thiểu cấp IV miền núi. Tập trung đầu tư nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới mạng lưới giao thông của TP Kon Tum và các thị trấn huyện; duy tu bảo dưỡng, nâng cấp hệ thống đường GTNT hiện có, xây dựng mới các tuyến đường GTNT đảm bảo tỷ lệ mặt đường cứng hóa đạt từ 60-70%, riêng các tuyến đường đến trung tâm các xã đạt 100%. Hệ thống cầu, cống trên các quốc lộ và đường tỉnh được xây dựng vĩnh cửu 100%; trên các tuyến đường huyện, đường xã được xây dựng kiên cố, phù hợp với cấp đường, tải trọng thiết kế. Nâng cấp bến, bãi đỗ xe, điểm đỗ xe hiện có; xây dựng mới các bến xe khách ở ngoài khu vực đô thị trung tâm. Tập trung cải tạo, nâng cấp đảm bảo an toàn các luồng tuyến đường thuỷ nội địa chính; phát triển phương tiện thủy nội địa theo hướng cơ cấu hợp lý phù hợp với điều kiện địa hình tự nhiên, đặc điểm sông ngòi và lưu lượng vận chuyển hàng hóa, hành khách trên địa bàn tỉnh; nnâng cấp và xây dựng mới một số bến thủy nội địa chính đảm bảo mục tiêu phục vụ của bến là phục vụ dân sinh, kết hợp phục vụ giao thông công cộng. Tập trung các nguồn lực để đầu tư xây dựng sân bay Kon Tum theo Quy hoạch đã được phê duyệt; nghiên cứu xây dựng sân bay taxi Măng Đen vào thời điểm thích hợp.
Định hướng đến năm 2035: Cơ bản hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh, tiếp tục xây dựng các dự án kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch tạo sự đồng bộ, liên thông với mạng lưới giao thông vận tải của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, vùng Tây Nguyên và cả nước. Đáp ứng được nhu cầu vận tải và dịch vụ vận tải với chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế, giá thành hợp lý và cạnh tranh, nhanh chóng, an toàn.
Quyết định đề ra các giải pháp nhằm thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đến năm 2035, như: Phát triển giao thông vận tải theo quy hoạch, kế hoạch; quản lý sử dụng nguồn vốn có hiệu quả; thu hút vốn đầu tư phát triển; đảm bảo trật tự an toàn giao thông; ứng dụng khoa học công nghệ; phát triển nguồn nhân lực.
UBND tỉnh giao: Sở Giao thông vận tải chủ trì phối hợp các sở ngành, địa phương triển khai công bố công khai Quy hoạch và quản lý, thực hiện Quy hoạch theo quy định; trong quá trình thực hiện cần tiến hành xem xét, đánh giá để kịp thời điều chỉnh bổ sung cho phù hợp cho yêu cầu phát triển của từng giai đoạn quy hoạch. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Giao thông vận tải và các ngành liên quan xác định nguồn vốn đầu tư, xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp để quy hoạch được triển khai đồng bộ, đúng tiến độ. Giao UBND các huyện, thành phố căn cứ cấp đường của các tuyến đường thuộc địa bàn quản lý theo quy hoạch được duyệt, phối hợp với các sở ngành, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện công tác quản lý hành lang an toàn và quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo quy định hiện hành của pháp luật./.
Chi tiết văn bản, tải tại đây!