Theo đó, thực hiện thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh Kon Tum, cụ thể:
Về đối tượng và mức thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa, được áp dụng theo quy định tại Điều 1 Nghị quyết 59/2016/NQ-HĐND ngày 19/8/2016 của HĐND tỉnh Kon Tum khóa XI, kỳ họp thứ 2 về thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tỷ lệ phần trăm (%) số thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa được xác định theo địa bàn từng xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã) thuộc khu vực I, II, III theo Quyết định của Ủy ban dân tộc, gồm: Tỷ lệ thu địa bàn xã thuộc khu vực I là 70%, khu vực II là 60% và khu vực III là 50%.
Cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được nhà nước giao đất, cho thuê đất có trách nhiệm kê khai số tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa phải nộp, tương ứng với diện tích đất chuyên trồng lúa nước được nhà nước giao, cho thuê. Chậm nhất sau 30 ngày kể từ ngày có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan có thẩm quyền, các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện nộp đủ khoản tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa vào ngân sách nhà nước.
Cơ quan Tài nguyên và Môi trường phối hợp cơ quan Tài chính các cấp căn cứ bản kê khai của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trồng lúa; xác định và tổ chức thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa nộp vào ngân sách cấp tỉnh 100%, hạch toán mục lục ngân sách mục thu khác, tiểu mục 4914. Cụ thể phân định trách nhiệm tổ chức thu như sau: (a) Sở Tài nguyên và Môi Trường chủ trì phối hợp với Sở Tài chính thực hiện thu đủ khoản tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa nộp vào ngân sách tỉnh theo quyết định giao đất, cho thuê đất của UBND tỉnh; (b) Phòng Tài nguyên và Môi Trường chủ trì phối hợp phòng Tài chính - Kế hoạch thuộc UBND huyện, thành phố thực hiện thu đủ khoản tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa nộp vào ngân sách và điều tiết 100% về ngân sách tỉnh theo quyết định giao đất, cho thuê đất của UBND huyện, thành phố.
Về kiểm tra việc nộp tiền bảo vệ và phát triển đất trồng lúa khi giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định: (a) Sở Tài nguyên và Môi trường (đối với các trường hợp UBND tỉnh quyết định giao đất, cho thuế đất) và UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm rà soát, kiểm tra các trường hợp được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất từ đất chuyên trồng lúa nước sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp trên địa bàn để xác định và thu tiền bảo vệ và phát triển đất trồng lúa nộp vào ngân sách tỉnh theo quy định; (b) Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm kiểm tra kết quả tổ chức, cá nhân nộp đầy đủ tiền bảo vệ và phát triển đất trồng lúa theo quy định trước khi thực hiện thủ tục bàn giao đất thực địa và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trường hợp tổ chức, cá nhân chưa nộp đủ tiền vào ngân sách tỉnh thì yêu cầu người sử dụng đất nộp tiền trước khi thực hiện thủ tục bàn giao đất thực địa và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cho thuê theo quy định; (c) Cơ quan Kho bạc Nhà nước tỉnh, huyện căn cứ thông báo nộp tiền bảo vệ phát triển đất trồng lúa của cơ quan Tài nguyên và Môi trường và bản kê khai nộp tiền của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất; thực hiện thu và điều tiết 100% số thu về ngân sách tỉnh theo quy định.
Toàn bộ số thu tiền bảo vệ và phát triển đất trồng lúa được nộp vào ngân sách cấp tỉnh và được quản lý, sử dụng theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ và Thông tư số 18/2016/TT-BTC ngày 21/01/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 10 năm 2016. Chi tiết văn bản, tải tại đây!