Theo đó, UBND tỉnh giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp tiến hành rà soát tổng thể, đánh giá, phân loại các phương tiện đang được quản lý tại các điểm trông giữ phương tiện vi phạm trên địa bàn tỉnh; xây dựng xây dựng phương án xử lý theo hướng: Đối với các phương tiện đang bị tạm giữ, nếu đảm bảo các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính thì nhanh chóng thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật để trả lại cho người vi phạm hoặc chủ sở hữu, người sử dụng hợp pháp; đối với các phương tiện thuộc diện bị tịch thu hoặc đã bị giữ quá lâu, tài sản mục nát không thể trả lại cho đương sự hoặc đã được thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai theo đúng quy định nhưng không có người nhận, tiến hành các thủ tục để tịch thu sung vào ngân sách nhà nước, tổ chức bán đấu giá hoặc tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật; căn cứ các quy định của pháp luật, nghiên cứu, áp dụng biện pháp giao lại cho người sử dụng quản lý, bảo quản phương tiện vi phạm phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế của địa phương.
UBND tỉnh giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh xem xét, thành lập Tổ công tác liên ngành về kiểm tra, xử lý các phương tiện giao thông vi phạm bị tạm giữ trên địa bàn tỉnh; Tổ có chức năng, nhiệm vụ tư vấn, phối hợp giúp Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, triển khai thực hiện và kiểm tra, đánh giá, định kỳ báo cáo Chính phủ, UBND tỉnh về tình hình và kết quả thực hiện, xử lý các phương tiện giao thông vi phạm bị tạm giữ trên địa bàn./.