Theo đó, Quy chế có 04 Chương với 08 Điều, quy định về nguyên tắc, phương thức, nhiệm vụ và trách nhiệm chủ trì, phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thuộc hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản và các vấn đề liên quan đến hoạt động khoáng sản trên khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh; Quy chế áp dụng đối với các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thuộc hai tỉnh trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản và các vấn đề liên quan đến hoạt động khoáng sản theo quy định của pháp luật.
Về nội dung phối hợp, quy chế nêu rõ:
UBND tỉnh Kon Tum và UBND tỉnh Gia Lai trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các cấp của tỉnh trong việc cung cấp, trao đổi, tiếp nhận xử lý thông tin về các tổ chức, cá nhân hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản, cũng như xử lý các vấn đề liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản ở khu vực giáp ranh hai tỉnh.
Các ngành, các cấp có liên quan trực thuộc UBND tỉnh Kon Tum và UBND tỉnh Gia Lai có trách nhiệm phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản; giám sát hoạt động khai thác khoáng sản tại khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh; cung cấp, trao đổi thông tin về các tổ chức, cá nhân hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản dọc ranh giới, cũng như việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với địa phương; phối hợp với Công an hai tỉnh trong việc phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về hoạt động khoáng sản và bảo vệ môi trường.
Các ngành, các cấp thuộc UBND tỉnh Kon Tum và UBND tỉnh Gia Lai căn cứ vào nhiệm vụ và quyền hạn của mình khi tổ chức kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản ở khu vực giáp ranh, tùy theo tính chất công việc có thể mời đại diện của Sở Tài nguyên và Môi trường hai tỉnh phối hợp tham gia; sau khi kết thúc công tác kiểm tra, báo cáo kết quả kiểm tra cho UBND tỉnh hai tỉnh biết để chỉ đạo kịp thời. Trong quá trình thực thi công vụ ở khu vực giáp ranh, nếu phát hiện các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản trái phép thì cơ quan chức năng hai tỉnh căn cứ theo chức năng, quyền hạn của mình chủ động kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm và kịp thời báo cáo UBND hai tỉnh để được chỉ đạo xử lý.
Trong trường hợp cần thiết để xử lý các vụ việc phức tạp, kéo dài, UBND hai tỉnh phối hợp chỉ đạo thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành, xử lý dứt điểm tình trạng khai thác khoáng sản trái phép dọc ranh giới hai tỉnh. Cơ chế hợp tác trong trao đổi, cung cấp thông tin liên quan đến dấu hiệu khai thác khoáng sản trái phép và các vấn đề liên quan khác tại khu vực giáp ranh hai tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường hai tỉnh có trách nhiệm làm đầu mối tổ chức thực hiện.
Quy chế cũng quy định rõ trách nhiệm của UBND hai tỉnh, của các sở, ngành liên quan, của UBND các huyện, thành phố và UBND cấp xã khu vực giáp ranh trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh.
UBND hai tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Gia Lai phối hợp với các ngành chức năng và UBND cấp huyện, cấp xã giáp ranh phổ biến, triển khai thực hiện Quy chế này.
Việc ký kết và thực hiện Quy chế này nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản ở khu vực giáp ranh, đảm bảo tính chủ động, kịp thời, hiệu quả và thống nhất trong công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra trong phạm vi khu vực giáp ranh tỉnh Kon Tum và tỉnh Gia Lai./.