Tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Kon Tum, có các đồng chí: Nguyễn Thế Hải - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Lại Xuân Lâm - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.
Tại Hội nghị, đại diện Bộ Tư pháp đã giới thiệu những nội dung mới của Bộ Luật hình sự năm 2015 và những nội dung cơ bản của Luật tiếp cộng thông tin, đồng thời quán triệt nội dung công việc cần triển khai thi hành Bộ luật hình sự và Luật tiếp cận thông tin.
Theo đó, Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 12/2017/QH14 ngày 20/6/2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/1/2018 gồm 26 chương, 426 điều (tăng 2 Chương, 72 Điều so với Bộ luật hình sự năm 1999). Nhìn tổng quát, Bộ luật hình sự năm 2015 có nhiều nội dung đổi mới, bao quát cả phần những quy định chung lẫn phần các tội phạm cụ thể, trong đó có những nội dung mang tính đột phá trên tinh thần đổi mới tư duy, đổi mới nhận thức về chính sách hình sự, về vấn đề tội phạm và hình phạt. Bộ luật đã phản ánh được những yêu cầu, đòi hỏi bức xúc của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới của đất nước và cũng là mong đợi của đông đảo quần chúng nhân dân.
Luật tiếp cận thông tin được Quốc hội Khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 11 ngày 4/6/2016, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018 gồm 5 chương, 37 điều. Đây là đạo luật rất quan trọng, tạo khuôn khổ pháp lý cho việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân và nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước.
Tại Hội nghị, đại diện các bộ, ngành, các tỉnh, thành đã tham gia đóng góp ý kiến cũng như những thắc mắc liên quan đến việc triển khai Bộ luật hình sự và Luật tiếp cận thông tin.
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tổ chức quán triệt Bộ Luật hình sự cũng như Luật tiếp cận thông tin. Trong đó, đối với Bộ luật hình sự phải nghiên cứu và áp dụng trong mối liên lệ với Nghị quyết số 41/2017/QH14 về việc thi hành Bộ luật hình sự năm 2015 cho phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tính nghiêm khắc và tính nhân văn của Bộ luật, góp phần phòng ngừa và phòng chống tội phạm; đối với Luật tiếp cận thông tin phải chủ động công bố những thông tin mà các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm phải công bố, đảm bảo công khai, minh bạch; phải sắp xếp bộ phận thực hiện nhiệm vụ cung cấp thông tin hợp lý, phù hợp với địa phương, đảm bảo thời gian và quy trình. Đặc biệt là ban hành kế hoạch chi tiết và tổ chức tập huấn chuyên sâu để việc triển khai thi hành 02 bộ luật mang tính thống nhất, hiệu quả./.