Buổi Tọa đàm do các đồng chí: Nguyễn Văn Hòa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Thị Nga, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ VHTTDL đồng chủ trì.
Dự Tọa đàm có đồng chí Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Viện lịch sử Đảng; Trường Đại học KHXH&NV - Đại học Quốc gia; Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; Hội Di sản Văn hóa Việt Nam và của tỉnh Kon Tum; lãnh đạo Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh, Bảo tàng tỉnh Quãng Ngãi; lãnh đạo các sở, ngành liên quan của tỉnh và thành phố Kon Tum.
Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận sâu 2 nội dung: Những ảnh hưởng to lớn của các sự kiện lịch sử đã diễn ra tại Nhà ngục Kon Tum đối với phong trào cách mạng khu vực Miền Trung -Tây Nguyên và cả nước; Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử Nhà Ngục Kon Tum sau gần 30 năm được xếp hạng là di tích quốc gia;làm rõ các vấn đề đối với giá trị, ý nghĩa lịch sử cũng như đưa ra một số giải pháp thực tiễn mang tính định hướng cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích Nhà ngục Kon Tum. Trên cơ sở đó, tiếp tục công tác bổ sung, hoàn thiện hồ sơ khoa học di tích lịch sử quốc gia Nhà Ngục Kon Tum đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Đồng chí Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh (ảnh trái) và đồng chí Nguyễn Văn Hòa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh (ảnh phải) phát biểu tại buổi Tọa đàm
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, đồng chí Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và đồng chí Nguyễn Văn Hòa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đều cho rằng thời gian qua, các Bộ ngành Trung ương, các địa phương, cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan đã quan tâm và hỗ trợ đáng kể cho tỉnh Kon Tum trong việc nghiên cứu, sưu tầm tư liệu và công tác đầu tư, tôn tạo di tích, đã đáp ứng yêu cầu bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích; đáp ứng yêu cầu giáo dục truyền thống cách mạng và nhu cầu tìm hiểu của khách tham quan trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, các tư liệu lịch sử về di tích Nhà ngục Kon Tum mới chỉ tập trung ở tập hồi ký của 2 tù chính trị nhà Ngục Kon Tum là Lê Văn Hiến và Ngô Đức Đệ và một số bài viết, công trình liên quan khác. Mặt khác, công tác tôn tạo di tích chỉ mới ở giai đoạn đầu với các hạng mục như: nhà trưng bày, nhà đón tiếp, tôn tạo hai ngôi mộ, sân lễ hội, tượng đài... Việc tôn tạo, phục dựng nguyên trạng di tích gốc vẫn là vấn đề trăn trở của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Kon Tum. Vì vậy, mong rằng các nhà khoa học, nhà nghiên cứu tiếp tục tập trung thảo luận, phân tích và đề xuất các nhận định toàn diện về ý nghĩa của các sự kiện lịch sử diễn ra tại nhà Ngục Kon Tum; về vị trí, vai trò của Nhà ngục Kon Tum đối với phong trào cách mạng giải phóng dân tộc và trong công cuộc xây dựng phát triển quê hương, đất nước hiện nay; tập trung làm rõ các giải pháp thiết thực trong việc bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di tích phù hợp điều kiện hiện nay và xứng tầm với giá trị của Di tích lịch sử Ngục Kon Tum.
Những nội dung tham luận, ý kiến trao đổi, thảo luận tại Tọa đàm lần này sẽ được biên tập thành tư liệu khoa học phục vụ cho công tác quản lý nhà nước đối với di tích lịch sử Nhà ngục Kon Tum; công tác trùng tu, bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị của di tích lịch sử trong thời gian đến. Đồng thời làm cơ sở kiện toàn hồ sơ khoa học đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích lịch sử Nhà ngục Kon Tum là di tích quốc gia đặc biệt. Đây chính là mong muốn, nguyện vọng của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Kon Tum trong suốt thời gian qua./.
Di tích lịch sử Nhà Ngục Kon Tum được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia vào năm 1988.
Nhà ngục Kon Tum - là một hệ thống di tích nhà tù gồm có nhà Lao tỉnh (hay gọi là Lao trong), nhà Lao chính trị phạm (hay gọi là Lao ngoài); là nơi đày ải, giam giữ tù chính trị được lập sớm nhất ở khu vực Tây Nguyên và đây cũng là nơi giam giữ những người tù chính trị được xem là nguy hiểm nhất, với số lượng tù nhiều nhất và trong thời gian ngắn nhất (1930-1933) ở Khu vực Miền Trung và Tây Nguyên.
Với chính sách khổ sai, đàn áp, chỉ trong 3 năm (từ năm 1930-1933) đã có trên 300/500 tù chính trị ngã xuống nơi "rừng thiêng nước độc" khi bị thực dân Pháp đưa đi mở cung đường 14 (đoạn Đăk Sút, Đăk Tao, Đăk Pao, Đăk Pét) và cuộc đấu tranh lưu huyết, cuộc đấu tranh tuyệt thực của các tù chính trị phản đối đi làm đường 14.
Nhà Ngục Kon Tum còn là nơi đã ra đời cơ sở Đảng đầu tiên của Kon Tum vào tháng 9 năm 1930, được gọi là “Chi bộ Binh”. Sự ra đời của chi bộ Đảng Cộng sản tại Kon Tum có ảnh hưởng to lớn đến vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với phong trào đấu tranh giành độc lập của nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum nói riêng và Tây Nguyên nói chung lúc bấy giờ và mãi về sau này.
Cùng với hệ thống nhà tù do thực dân Pháp thiết lập ở Việt Nam với mục đích cai trị, Nhà Ngục Kon Tum để lại một di sản to lớn trong lịch sử cách mạng, lịch sử dân tộc. Đó là tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng kiên trung của người chiến sĩ cộng sản.
|