Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính: Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ như: (1) Khi tham dự các cuộc họp, nhất là các cuộc họp trực tuyến của Trung ương, Tỉnh tổ chức phải tham dự đảm bảo đầy đủ, đúng giờ, đúng thành phần được mời, hạn chế cử người dự họp thay, tham dự suốt thời gian họp, không tự ý vắng mặt, và đăng ký trước thành phần, số lượng người dự họp theo yêu cầu; khi tham dự các cuộc họp, phải chủ động chuẩn bị các nội dung để đóng góp ý kiến về các vấn đề được thảo luận nhằm nâng cao tinh thần, trách nhiệm trong việc tham gia giải quyết các công việc. (2) Chỉ đạo quyết liệt hơn nữa trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao với tinh thần không để nợ đọng nhiệm vụ, không chờ đến hạn mới xử lý, thực hiện; khi có khó khăn, vướng mắc cần chủ động tìm giải pháp tháo gỡ hoặc thông tin, phản ánh, phối hợp kịp thời với Văn phòng UBND tỉnh để tham mưu, đề xuất hướng xử lý, giải quyết. (3) Tiếp tục tập trung, ưu tiên cho công tác hoàn thiện thể chế; trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ cần nghiên cứu rà soát những vướng mắc tại các luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật, trường hợp phát hiện những quy định bất hợp lý, đặc biệt là những quy định còn là rào cản, gây cản trở đến đầu tư, kinh doanh... chủ động kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung kịp thời để tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch cho người dân và doanh nghiệp. (4) Quán triệt cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các chỉ đạo của UBND tỉnh trong thời gian qua.
Chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh: Tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan của tỉnh và UBND các huyện, thành phố triển khai các cuộc thanh tra, kiểm tra phải theo đúng định hướng, kế hoạch đã được phê duyệt; nội dung thanh tra, kiểm tra đúng đề cương và thời gian theo quyết định; chủ động kiểm tra, đánh giá và điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra khi cần thiết theo hướng không làm tăng số cuộc thanh tra; ban hành kết luận thanh tra phải đúng thời hạn theo quy định. Trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, chỉ ban hành quyết định thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm rõ ràng; kết luận thanh tra, kiểm tra phải xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm. Người ra quyết định thanh tra, kiểm tra; trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra; công chức thanh tra chuyên ngành phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc kết luận, làm rõ nguyên nhân, mức độ vi phạm và việc xử lý đối với cá nhân, tổ chức có liên quan theo các dấu hiệu đã được xác định để đề ra quyết định thanh tra, kiểm tra đột xuất. Không mở rộng phạm vi thanh tra, kiểm tra vượt quá nội dung của quyết định thanh tra, kiểm tra đột xuất. Trường hợp phát hiện thấy nội dung, phạm vi thanh tra, kiểm tra có chồng chéo, trùng lặp với cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra khác hoặc Kiểm toán Nhà nước, Thủ trưởng cơ quan tiến hành thanh tra, kiểm tra phải báo cáo UBND tỉnh, Thanh tra tỉnh và cơ quan, đơn vị liên quan để có giải pháp sắp xếp phù hợp tránh chồng chéo, trùng lắp và đảm bảo tính kế thừa trong hoạt động thanh tra, kiểm tra giữa các cơ quan, đơn vị....
Nghiêm túc thực hiện trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL): Nhằm tiếp tục đảm bảo công tác xây dựng và ban hành văn bản QPPL theo đúng quy định của pháp luật, UBND tỉnh ban hành Công văn số 2147/UBND-NC ngày 09/8/2017, chỉ đạo Thủ tưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, các cơ quan thuộc ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh được giao nhiệm vụ chủ trì soạn thảo văn bản QPPL thuộc thẩm quyền ban hành của tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tiếp tục tăng cường phổ biến, quán triệt sâu rộng quy định của Luật ban hành văn bản QPPL và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ đến cán bộ, công chức trong cơ quan, đơn vị (chú trọng các đối tượng thường xuyên làm công tác công tác xây dựng chính sách, soạn thảo văn bản); phối hợp chặt chẽ, ngay từ đầu với cơ quan thẩm định, thẩm tra trong suốt quá trình xây dựng văn bản. UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết QPPL hoặc tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định QPPL phải tổ chức thực hiện nghiêm quy trình theo quy định tại Chương VIII và IV của Luật ban hành văn bản QPPL; thực hiện nghiêm túc việc đăng tải lấy ý kiến về hồ sơ đề nghị ban hành văn bản QPPL trên Cổng TTĐT tỉnh để các tổ chức, cá nhân tham gia ý kiến theo quy định. Giao Văn phòng UBND tỉnh thực hiện nghiêm công tác kiểm tra hồ sơ đề nghị xây dựng, ban hành quyết định QPPL của UBND tỉnh; hồ sơ trình UBND tỉnh xem xét, trình Thường trực HĐND tỉnh đề nghị xây dựng nghị quyết và hồ sơ dự thảo nghị quyết theo quy định của pháp luật; đề nghị các cơ quan, đơn vị chủ trì xây dựng dự thảo văn bản QPPL phải thực hiện đúng trình tự, thủ tục và hoàn thiện đầy đủ thành phần hồ sơ được quy định. UBND tỉnh giao Sở Tư pháp có trách nhiệm xây dựng tài liệu giới thiệu những nội dung cơ bản của Luật, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP; sơ đồ hóa trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản QPPL thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND, UBND các cấp; tài liệu hướng dẫn xây dựng, đánh giá tác động chính sách... đăng tải trên trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp và UBND các huyện, thành phố để phục vụ công tác nghiên cứu, tìm hiểu của các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử: Thực hiện hướng dẫn của Tổng cục Thuế, UBND tỉnh ban hành Công văn số 2129/UBND-KT ngày 09/8/2017 yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình và Quy chế phối hợp quản lý chống thất thu và thu hồi nợ đọng thuế (tại Quyết định số 423/QĐ-UBND ngày 18/5/2017 của UBND tỉnh) tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động thương mại điện tử; kiểm tra việc sử dụng hóa đơn trên khâu lưu thông hàng hóa, xử lý nghiêm việc lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để bán hàng nhưng không xuất hóa đơn nhằm trốn thuế; xác minh thân nhân, địa chỉ, tài sản và cưỡng chế các hành vi trốn thuế, gian lận thuế, nợ thuế của các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử; đồng thời, ngăn chặn giao dịch của các tổ chức cá nhân kinh doanh qua mạng cố tình trốn thuế, chây ỳ nộp thuế; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử tự giác thực hiện nghĩa vụ nộp thuế. UBND tỉnh đề nghị Ngân hàng nhà nước, Ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng và các Công ty chuyển phát, bưu chính, viễn thông... phối hợp với cơ quan Thuế các cấp để quản lý các đối tượng có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử theo quy định của pháp luật; cung cấp tài khoản, bản sao kê tài khoản, số lượng hàng hoá vận chuyển của các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử để ngăn chặn giao dịch của các tổ chức, cá nhân có kinh doanh thương mại điện tử nhưng cố tình trốn thuế, chây ỳ nộp thuế. Yêu cầu Cục Thuế tỉnh, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, hỗ trợ để những tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh tự giác thực hiện nghĩa vụ thuế; tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nghĩa vụ thuế của các tổ chức, cá nhân có liên quan; phối hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan để nắm bắt, quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử....
Xử lý vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh: Triển khai chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, UBND tỉnh ban hành Công văn số 2102/UBND-HTKT ngày 07/8/2017 yêu cầu Sở Công Thương chỉ đạo lực lượng chức năng liên quan đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý theo quy định pháp luật đối với hoạt động bán hàng đa cấp vi phạm hoặc lợi dụng kinh doanh đa cấp để thu lợi bất chính; đồng thời kiểm tra, giám sát quá trình chấm dứt hoạt động, việc hoàn thành các nghĩa vụ của Công Ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy cũng như các doanh nghiệp bán hàng đa cấp khác trên địa bàn tỉnh và hướng dẫn người tham gia bán hàng đa cấp nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia bán hàng theo quy định của pháp luật. Công an tỉnh chỉ đạo Công an các huyện, thành phố tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng và UBND các huyện, thành phố xây dựng phương án nhằm nắm chắc tình hình và triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh; kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời theo quy định pháp luật nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Tăng cường công tác quản lý vật liệu nổ công nghiệp: Nhằm tăng cường công tác quản lý vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN), tiền chất thuốc nổ (TCTN) trên địa bàn tỉnh đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 05/7/2017, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai với các nội dung chính, như: Rà soát, đánh giá quy trình và đơn giản hóa việc thực hiện các TTHC trong cấp các loại giấy chứng nhận liên quan đến VLNCN; thống kê các tổ chức sử dụng VLNCN quy mô nhỏ, lẻ, không đảm bảo quy định pháp luật về an toàn môi trường, để hạn chế và tiến tới loại bỏ; tập trung kiểm tra, hướng dẫn các tổ chức sử dụng VLNCN thực hiện quy trình kỹ thuật an toàn, phương án bảo vệ an ninh trật tự phù hợp với quy định pháp luật hiện hành và thực tế của đơn vị; làm rõ nguyên nhân gây mất an toàn, để thất thoát VLNCN và xử lý nghiêm đối với các đơn vị để xảy ra thất thoát VLNCN; tăng cường năng lực về người và thiết bị cần thiết để bảo đảm an ninh. trật tự, phòng chống cháy nổ đối với hoạt động VLNCN; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, phổ biến nội dung quy định của pháp luật đối với VLNCN dưới nhiều hình thức để nâng cao ý thức chấp hành quy định của pháp luật về VLNCN cho các tổ chức, cá nhân hoạt động VLNCN; tham mưu, kiến nghị với cơ quan chức năng bổ sung, sửa đổi văn bản quy phạm pháp quy trong lĩnh vực quản lý tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho hoạt động quản lý vũ khí, VLNCN.... UBND tỉnh giao các cơ quan liên quan thực hiện nghiêm công tác thẩm định, thẩm tra, hậu kiểm tra công tác cấp phép sử dụng VLNCN theo đúng thẩm quyền và quy định; thực hiện thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất tất cả các đơn vị hoạt động VLNCN trên địa bàn (nhất là đối với các doanh nghiệp bảo quản, sử dụng VLNCN quy mô nhỏ, vùng sâu vùng xa), kiên quyết xử lý nghiêm và không cho phép bảo quản VLNCN tại các kho VLNCN không đảm bảo điều kiện theo quy định, đề xuất thu hồi ngay Giấy phép sử dụng VLNCN đối với các doanh nghiệp để thất thoát VLNCN; tăng cường công tác huấn luyện kỹ thuật an toàn VLNCN, lồng ghép công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, phổ biến nội dung quy định của pháp luật đối với VLNCN; tổ chức diễn tập các phương án theo kế hoạch ứng cứu khẩn cấp của doanh nghiệp; thanh tra, kiểm tra công tác an toàn vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật; điều tra tai nạn lao động và những vi phạm an toàn lao động, vệ sinh lao động đối với các đơn vị bảo quản, lưu giữ, sử dụng VLNCN trên địa bàn tỉnh; rà soát, điều chỉnh các tuyến đường vận chuyển VLNCN trong trường hợp có các thay đổi về quy định giao thông đường bộ thuộc phân cấp quản lý. UBND tỉnh cũng yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động VLNCN, TCTN trên địa bàn tỉnh rà soát các điều kiện, kiểm tra thực tế việc tuân thủ các quy định về an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ trong quản lý, bảo quản, vận chuyển, sử dụng VLNCN, TCTN; tổ chức khắc phục ngay các nội dung chưa đúng, chưa đủ theo quy định của pháp luật, đặc biệt chú trọng đối với kho bảo quản, phương tiện vận chuyển VLNCN, TCTN; tổ chức diễn tập các phương án theo Kế hoạch ứng cứu khẩn cấp của doanh nghiệp....
Xử lý phương tiện giao thông đường bộ vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh: Để tránh tình trạng các phương tiện giao thông đường bộ bị tạm giữ do vi phạm hành chính bị tạm giữ lâu ngày gây quá tải tại các bãi trông giữ phương tiện, UBND tỉnh giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp tiến hành rà soát tổng thể, đánh giá, phân loại các phương tiện đang được quản lý tại các điểm trông giữ phương tiện vi phạm trên địa bàn tỉnh; xây dựng xây dựng phương án xử lý theo hướng: Đối với các phương tiện đang bị tạm giữ, nếu đảm bảo các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính thì nhanh chóng thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật để trả lại cho người vi phạm hoặc chủ sở hữu, người sử dụng hợp pháp; đối với các phương tiện thuộc diện bị tịch thu hoặc đã bị giữ quá lâu, tài sản mục nát không thể trả lại cho đương sự hoặc đã được thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai theo đúng quy định nhưng không có người nhận, tiến hành các thủ tục để tịch thu sung vào ngân sách nhà nước, tổ chức bán đấu giá hoặc tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật; căn cứ các quy định của pháp luật, nghiên cứu, áp dụng biện pháp giao lại cho người sử dụng quản lý, bảo quản phương tiện vi phạm phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế của địa phương. Đồng thời, UBND tỉnh giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh xem xét, thành lập Tổ công tác liên ngành về kiểm tra, xử lý các phương tiện giao thông vi phạm bị tạm giữ trên địa bàn tỉnh nhằm giúp Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo triển khai, kiểm tra công tác thực hiện xử lý các phương tiện giao thông vi phạm bị tạm giữ trên địa bàn./.
|