Chủ động triển khai các biện pháp phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2017 trên địa bàn tỉnh: Kết luận tại Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017 trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban BCH PCTT&TKCN tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, như: Rà soát, kiểm kê vật tư, trang thiết bị dự phòng phòng, chống lụt, bão trước mùa mưa lũ để kịp thời có phương án phòng bị cho phù hợp, sẵn sàng phục vụ tốt cho công tác cứu hộ, cứu nạn; thực hiện tốt phương châm “Bốn tại chỗ”; liên tục cập nhật thông tin, liên tục đăng tải, tăng thời lượng phát sóng để tuyên truyền rộng rãi cho người dân biết, hiểu về trách nhiệm của bản thân, gia đình trong công tác phòng, chống thiên tai nhằm hạn chế tối đa thiệt hại khi có thiên tai xảy ra; đánh giá công tác PCTT&TKCN năm 2016 và 5 tháng đầu năm 2017, rút kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp, phương hướng để tiếp tục nâng cao công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó với thiên tai trong 6 tháng cuối năm 2017; tổ chức thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương và tỉnh về công tác này, đặc biệt là triển khai thực hiện nghiêm Phương án phòng, chống lụt bão, ứng phó với bão mạnh, siêu bão và giảm nhẹ thiên tai trên địa bàn tỉnh; phối hợp với chủ các công trình thủy điện, các hồ, đập thủy lợi để chủ động xây dựng và tổ chức diễn tập phương án phòng, chống lũ, lụt cho vùng hạ du trong tình huống xả lũ khẩn cấp hoặc vỡ đập đối với các hồ chứa có vùng hạ du tập trung đông dân cư; khẩn trương xây dựng kế hoạch thu Quỹ phòng, chống thiên tai; tăng cường hơn nữa công tác dự báo, cảnh báo thiên tai của cơ quan Khí tượng thủy văn để thông tin kịp thời cho các cơ quan, địa phương và Nhân dân được biết, để có phương án chủ động phòng, chống thiên tai phù hợp, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản khi có thiên tai xảy ra; rà soát các điểm, vị trí xung yếu có nguy cơ sạt lở, ảnh hưởng đến các công trình hạ tầng, nhà cửa của Nhân dân để tổ chức phương án di dời kịp thời trước mùa mưa lũ; rà soát các công trình thủy lợi trọng yếu để lên kế hoạch sửa chữa, đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND các huyện, thành phố chỉ đạo rà soát lại các hệ thống thoát nước đô thị trên địa bàn, có kế hoạch nạo vét, sửa chữa, bổ sung các nắp hố ga bị hư hỏng nhằm đảm bảo an toàn, phòng chống thiên tai trước mùa mưa lũ 2017; tăng cường công tác trực ban 24/24h khi có mưa, bão xảy ra; tăng cường kiểm ra, rà soát và cắm biển cảnh báo những điểm sạt lở, ao, hồ, cầu treo... có khả năng gây nguy hiểm đến người dân; vận động các gia đình quan tâm đến trẻ em khi học tập, vui chơi để tránh tình trạng đuối nước xảy ra trong dịp nghỉ hè và trong mùa mưa lũ sắp tới....
Triển khai thực hiện Kết luận thanh tra của Tổng Thanh tra Chính phủ: Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ và Kết luận của Tổng Thanh tra Chính phủ về việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh; UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố: (1) Thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân thường xuyên cũng như định kỳ theo đúng quy định; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; tăng cường bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân; (2) Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng, chống tham nhũng, công khai minh bạch trong việc thực hiện các dự án đầu tư, tài chính ngân sách, sử dụng đất đai, mua sắm tài sản công, công tác cán bộ và ban hành các quy định về định mức, tiêu chuẩn chế độ làm căn cứ để tổ chức việc thực hành tiết kiệm ở các địa phương, đơn vị theo đúng quy định của pháp luật; (3) Tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm của Thủ trưởng các địa phương, đơn vị trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng để chấn chỉnh, khắc phục và xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm; (4) Tăng cường cơ sở vật chất, bố trí cán bộ có trình độ năng lực, phẩm chất đạo đức, phẩm chất chính trị trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; quan tâm việc tổ chức đối thoại với công dân trong quá trình giải quyết; tiếp tục giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, đảm bảo giải quyết các vụ việc ngay từ cơ sở; (5) Chú trọng công tác giám sát đoàn thanh tra, thẩm định kết quả thanh tra để chấn chỉnh những sai sót về trình tự thủ tục, thời gian hoạt động các cuộc thanh tra; tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận thanh tra đã có hiệu lực pháp luật; tập trung thu hồi tiền, tài sản vi phạm pháp luật để nộp ngân sách Nhà nước và xử lý những cá nhân, tập thể vi phạm pháp luật theo đúng quy định của pháp luật...
Chủ động tham mưu giải quyết các nhiệm vụ chuyên môn: Tiếp tục cải tiến lề lối làm việc, nâng cao tính chủ động và phát huy vai trò, trách nhiệm của Người đứng đầu, Thủ trưởng các đơn vị trong giải quyết công việc, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động nghiên cứu triển khai, tham mưu UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh xử lý công việc thuộc thẩm quyền theo đúng quy chế làm việc của UBND tỉnh, đảm bảo tiến độ, thời gian, chất lượng và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh; Văn phòng UBND tỉnh sẽ không chuyển văn bản của các cơ quan, địa phương trong tỉnh gửi đến UBND tỉnh để giải quyết công việc, trong đó có gửi đến các đơn vị có liên quan để phối hợp, tham mưu UBND tỉnh giải quyết; đối với các văn bản của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh... tùy theo từng trường hợp, Văn phòng UBND tỉnh sẽ có văn bản triển khai phù hợp. Đối với các văn bản của các cơ quan, địa phương chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai các nhiệm vụ chuyên môn; văn bản gửi lấy ý kiến tham gia, phối hợp trong quá trình giải quyết công việc chỉ gửi đến nơi cần thiết, không nhất thiết phải gửi đến UBND tỉnh để biết, theo dõi.
Xử lý các cá nhân tự giới thiệu, tự nhận là người thân, người nhà lãnh đạo: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố đề cao cảnh giác, không để các đối tượng liên hệ công tác tự giới thiệu, tự nhận là người thân, người nhà của các đồng chí lãnh đạo để nhờ hỗ trợ, can thiệp một số việc liên quan, lợi dụng thực hiện các hành vi không đúng quy định pháp luật; trong xử lý công việc thực hiện đúng quy định, không được để các mối quan hệ, yếu tố bên ngoài chi phối, ảnh hưởng đến hoạt động công vụ; trường hợp phát hiện có dấu hiệu khả nghi, yêu cầu các cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh, làm rõ, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 5760/VPCP-NC truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý nghiêm các cá nhân tự giới thiệu, tự nhận là người nhà, người thân lãnh đạo. Cùng với đó, Văn phòng Quốc hội có văn bản gửi đến các địa phương, thông tin một số đối tượng tự xưng là người thân, người nhà của Chủ tịch Quốc hội, đặt vấn đề giao dự án... Văn phòng Quốc hội thông báo: Các đối tượng trên là mạo nhận, mạo danh; do đó, nếu có hiện tượng nêu trên xuất hiện tại địa phương, đề nghị chỉ đạo xử lý theo quy định của pháp luật.
Xử lý dứt điểm các vụ việc đánh nhau, gây rối trật tự công cộng liên quan đến CBCC Sở Tài nguyên và Môi trường: Triển khai ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan liên quan xử lý dứt điểm vụ việc đánh nhau và gây rối trật tự công cộng liên quan đến một số cán bộ, công chức Sở TN-MT vào ngày 16/3/2017 và vụ việc đánh người tại Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ thành phố Kon Tum vào ngày 14/4/2017. Theo đó, đề nghị Công an tỉnh chỉ đạo Công an thành phố Kon Tum khẩn trương điều tra, kết luận vụ việc cán bộ, công chức Sở TN&MT đánh nhau, gây rối trật tự công cộng và vụ đánh người tại Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ thành phố Kon Tum; yêu cầu Sở Nội vụ, Sở TN&MT, UBND thành phố Kon Tum khẩn trương nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 1024/UBND-TH ngày 17/4/2017 và Công văn số 1241/UBND-NC ngày 12/5/2017 của UBND tỉnh, báo cáo kết quả về UBND tỉnh trước ngày 20/6/2017.
Tăng cường công tác thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh: Để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước được Trung ương và HĐND tỉnh giao năm 2017, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác thu NSNN trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban ngành, các đơn vị trực thuộc UBND tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2017 và tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2017 theo đúng Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 19/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thuế để triển khai công tác thu NSNN trên địa bàn, phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu NSNN được HĐND tỉnh giao năm 2017. Chỉ thị giao nhiệm vụ cho các ngành, địa phương liên quan tăng cường khai thác nguồn thu mới và thu hồi nợ đọng thuế theo quy định, không để gia tăng thêm số nợ mới; đẩy mạnh CCHC, rút ngắn thời gian thực hiện TTHC thuế, xuất nhập khẩu; tăng cường tuyên truyền chính sách pháp luật về thuế; tăng cường thanh kiểm tra thuế đối với các lĩnh vực, ngành nghề tìm ẩn rủi ro cao về thất thu thuế; rà soát, khai thác nguồn thu; tích cực, chủ động trong kiểm tra, kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh và thực hiện thu đúng, thu đủ thuế xuất, nhập khẩu nộp vào NSNN kịp thời; kiểm soát tình hình giá cả đối với các cơ sở hoạt động lĩnh vực xăng dầu, lâm sản, khoáng sản, dịch vụ vận tải...; thu hồi nợ đọng thuế; thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp khi thực hiện cưỡng chế để thu nợ thuế theo quy định của pháp luật; tăng cường công tác hậu kiểm sau đăng ký doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp thành lập trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở khai thác tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn, phát hiện và xử lý nghiêm hoạt động khai thác trái phép, không phép để chống thất thu có hiệu quả; đẩy nhanh tiến độ quy hoạch các điểm mỏ đất, thủ tục đăng ký khai thác đất san lấp; quản lý thu thuế hoạt động XDCB nhà tư nhân khi cấp giấy phép xây dựng, cấp chứng nhận quyền sở hữu nhà ở....
Triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước: Triển khai Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016 - 2020” theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh yêu cầu các Công ty thuộc diện cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước nghiêm túc thực hiện cổ phần hoá và thoái vốn theo cơ chế thị trường và quy định của pháp luật, không để xảy ra tiêu cực, lợi ích nhóm, thất thoát vốn, tài sản nhà nước; Chủ tịch, Người đại diện phần vốn nhà nước tại các Công ty thuộc diện cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước chỉ đạo xử lý theo thẩm quyền hoặc kịp thời báo cáo UBND tỉnh để xử lý các vướng mắc trong quá trình triển khai cơ cấu lại doanh nghiệp, cổ phần hóa, thoái vốn. UBND tỉnh giao Sở Tài chính tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát các doanh nghiệp nhà nước thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh thực hiện phương án sắp xếp, cổ phần hóa được phê duyệt; giao Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, tham mưu xử lý dứt điểm các doanh nghiệp thua lỗ, các dự án đầu tư không hiệu quả theo cơ chế thị trường.
Sửa đổi, bổ sung quy định tiêu chí quy mô cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh: Ngày 13/6/2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 527/QĐ-UBND về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 91/QĐ-UBND ngày 11/02/2015 của UBND tỉnh về ban hành quy định tiêu chí quy mô cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Theo đó, Điều 1 Quyết định số 91/QĐ-UBND được sửa đổi, bổ sung, như sau: (1) Cây trồng: Cây lúa, sắn, rau củ quả, mía, cà phê, Sâm Ngọc Linh, Hồng Đẳng sâm, Đương quy, nhóm cây làm thức ăn gia súc, trồng rừng. (2) Diện tích cây trồng sản xuất theo cánh đồng lớn phải tập trung, có quy mô diện tích tối thiểu như sau: Đối với cây lúa 05 ha; đối với cây sắn 30 ha; đối với cây rau, củ, quả 03 ha; đối với cây mía 05 ha; đối với cây cà phê vối 30 ha; đối với cây cà phê chè 20 ha; đối với cây sâm Ngọc Linh 05 ha; đối với cây Hồng Đẳng sâm 05 ha; đối với cây Đương quy 05 ha; đối với nhóm cây làm thức ăn gia súc (cỏ, các cây trồng khác) 10 ha; đối với trồng rừng 50 ha.
Thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (BV&PTR) cấp xã và Tổ công tác liên ngành quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) cấp xã: Tiếp tục triển khai kết luận tại Hội nghị sơ kết Phương án tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh thống nhất thành lập Quỹ BV&PTR cấp xã và Tổ công tác liên ngành QLBVR cấp xã, cụ thể: Thành lập 45 Quỹ BV&PTR cấp xã, hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm đối với các xã có nguồn thu từ tiền dịch vụ môi trường rừng lớn hơn 30 triệu đồng/năm và khuyến khích thành lập Quỹ BV&PTR cấp xã đối với các xã còn lại; thành lập Tổ công tác liên ngành QLBVR cấp xã đối với các xã đang quản lý, bảo vệ diện tích rừng lớn; đối với các xã có diện tích rừng ít, UBND cấp xã tiếp tục quản lý, bảo vệ theo quy định. UBND tỉnh giao Sở Tài chính tham mưu phân bổ số tiền 1.370 triệu đồng từ nguồn vốn sự nghiệp đầu tư phát triển lâm nghiệp tỉnh và nguồn Trung ương hỗ trợ cho UBND các xã có rừng nằm ngoài lưu vực cung ứng dịch vụ môi trường rừng; từ năm 2018, rà soát lại nguồn sự nghiệp kinh tế đã bố trí cho công tác QLBVR, phòng chống cháy rừng cho các chủ rừng có diện tích rừng đã được thụ hưởng nguồn dịch vụ môi trường rừng, điều chỉnh giảm kinh phí ngân sách chuyển sang bố trí hỗ trợ cho Tổ công tác liên ngành QLBVR các xã không có nguồn thu dịch vụ môi trường rừng; thống nhất sử dụng nguồn chi phí quản lý của Quỹ BV&PTR tỉnh để hỗ trợ thêm cho Tổ quản lý bảo vệ cấp xã của 30 xã nằm trong vùng cung ứng DVMTR có diện tích rừng ít để tổ chức, QLBVR, phòng cháy, chữa cháy rừng với mức hỗ trợ 100.000 đồng/ha/năm. UBND tỉnh giao UBND các huyện, thành phố thành lập và bổ nhiệm cán bộ Quỹ BV&PTR cấp xã và Tổ QLBVR cấp xã.
Triển khai công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh: Triển khai kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia về công tác đảm bảo trật tự, ATGT tháng 5 và nhiệm vụ tháng 6/2017, UBND tỉnh yêu cầu Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải và UBND các huyện, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh về triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm công tác đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh trong quý II năm 2017. Đồng thời, để đảm bảo ATGT trên địa bàn tỉnh, nhất là trong mùa mưa bão năm 2017, yêu cầu Sở Giao thông vận tải và UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, ban chức năng liên quan và đơn vị quản lý đường bộ tăng cường công tác kiểm tra các tuyến đường, hệ thống cầu treo dân sinh trên địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý của đơn vị, địa phương mình nhằm phát hiện những công trình, vị trí bị hư hỏng để có giải pháp khắc phục kịp thời đảm bản an toàn phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong mùa mưa bão năm 2017; chủ động tập kết vật liệu, thiết bị, phương tiện… nhằm chuẩn bị sẵn sàng ứng phó, phối hợp xử lý khi có sự cố (sạt lở đường, mái ta luy dương….) xảy ra trên địa bàn hoặc tuyến đường do đơn vị, địa phương mình quản lý nhằm đảm bảo giao thông thông suốt, phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn và nhu cầu đi lại của Nhân dân.
Xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về xây dựng, đất đai, môi trường tại khu vực Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Thanh Trung: Trên cơ cở Kết luận kiểm tra của Sở Tài nguyên - Môi trường đối với việc xây dựng công trình không phép, khai thác tài nguyên trái phép trên địa bàn thôn Thanh Trung, phường Ngô Mây, thành phố Kon Tum; UBND tỉnh yêu cầu sở ngành chức năng, UBND thành phố Kon Tum và các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung, như: Nghiêm túc thực hiện quy trình chuyển đổi mô hình sản xuất gạch thủ công sang gạch không nung, lộ trình giảm dần và xóa bỏ các cơ sở sản xuất gạch bằng lò nung thủ công theo Kế hoạch của UBND tỉnh; rà soát việc chồng lấn diện tích đất trong quy hoạch cụm công nghiệp và quy hoạch khoáng sản (nếu có), đề xuất hướng xử lý; xây dựng và triển khai phương án chuyển đổi nghề nghiệp, tạo sinh kế cho lao động đang tham gia sản xuất gạch thủ công, đưa các hoạt động tiểu thủ công nghiệp vào hoạt động tại Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Thanh Trung. Đối với việc khai thác, mua bán đất sét trái phép, xây dựng công trình không phép, sử dụng đất không đúng mục đích tại khu vực này, các ngành liên quan và UBND thành phố Kon Tum làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong xây dựng, đất đai, môi trường, khoáng sản tại khu vực này theo thẩm quyền, báo cáo UBND tỉnh. Cũng tại văn bản này, UBND tỉnh yêu cầu UBND thành phố Kon Tum thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 1489/UBND-HTKT ngày 09/6/2017; tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị về việc sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung trên địa bàn tỉnh và Kế hoạch lộ trình giảm dần, chấm dứt sản xuất gạch xây đất sét nung bằng lò thủ công trên địa bàn tỉnh.
Xử lý nghiêm việc gây ô nhiễm môi trường của Công ty TNHH Phương Hoa: Xét báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường về kết quả kiểm tra, xử lý việc gây ô nhiễm môi trường của Công ty TNHH Phương Hoa (thôn Đăk Sút, xã Đăk Kroong, huyện Đăk Glei), UBND tỉnh giao Sở TNMT lập thủ tục xử lý nghiêm hành vi vi phạm của Công ty trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, buộc Công ty xử lý toàn bộ số bã mỳ đã đổ tại khu đất cạnh nhà máy, khôi phục hiện trạng khu đất như ban đầu trước ngày 22/6/2017; yêu cầu Công ty có biện pháp khắc phục việc bã mỳ đổ thải gây ảnh hưởng đến các hộ quanh khu vực, đảm bảo việc cung cấp nước sạch cho sinh hoạt của các hộ dân; trong trường hợp Công ty không chấp hành, tham mưu UBND tỉnh xem xét tạm đình chỉ hoạt động đối với Nhà máy; tiếp tục kiểm tra, theo dõi sát các hoạt động của Công ty có liên quan đến lĩnh vực môi trường, đặc biệt là việc xử lý số bã mỳ nêu trên để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Đăk Glei chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tăng cường công tác quản lý địa bàn, thường xuyên kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường theo thẩm quyền; trước mắt, tổ chức kiểm tra, xử lý hành vi sử dụng đất gần bờ sông Pô Kô để đổ, phơi bã mỳ của 02 hộ dân theo quy định.
Trước đó, trên Báo Kon Tum có bài phản ảnh về ô nhiễm các giếng nước gần Nhà máy chế biến tinh bột sắn Phương Hoa, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành kiểm tra thực tế tại khu vực trên./.