Theo đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình chủ động tổ chức các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em. Tổ chức các hoạt động tư vấn, tham vấn cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em trong nhà trường và cộng đồng. Tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em nhất là xâm hại tình dục, bạo lực trẻ em cho cha, mẹ, các thành viên gia đình, giáo viên, người chăm sóc trẻ, người trực tiếp làm việc với trẻ em; trang bị các kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, tự phòng ngừa xâm hại, bạo lực cho trẻ em.
Giao UBND các huyện, thành phố: Chỉ đạo UBND cấp xã; các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện các biện pháp bảo vệ trẻ em, xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em ở địa phương. Xử lý theo thẩm quyền đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân che giấu, không thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc thiếu trách nhiệm trong việc xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em. Chỉ đạo triển khai Luật trẻ em và các văn bản hướng dẫn, ưu tiên bố trí nguồn lực để đảm bảo việc hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại. Đồng thời, chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về việc để xảy ra tình trạng không xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em; không kịp thời hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại trên địa bàn quản lý.
Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương thiết lập đầu mối tiếp nhận thông tin, thông báo, tố giác; cơ chế phối hợp phòng ngừa, xử lý hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em tại địa phương. Đồng thời, chủ động phối hợp, kết nối và tăng cường quảng bá đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em của Cục Trẻ em - Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trong việc tư vấn, hỗ trợ, can thiệp trẻ em bị xâm hại, bạo lực./.