Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có các đồng chí: A Pớt - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Kring Ba - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Bình Trọng - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh; Lại Xuân Lâm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể của tỉnh và các huyện, thành phố.
Sau 3 năm thực hiện, công tác giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã chủ động, sáng tạo tổ chức các hoạt động, chương trình giám sát phù hợp với Hiến pháp, Luật tổ chức Chính phủ, Luật MTTQVN, góp phần phát huy dân chủ và tạo sự đồng thuận trong nhân dân, nhất là ở cơ sở. Qua đó, góp phần đảm bảo và tăng cường an ninh trật tự xã hội, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước.
Các hoạt động giám sát được triển khai ở các vấn đề, lĩnh vực có ý nghĩa cấp bách với toàn xã hội như: chính sách với người có công; bảo vệ môi trường; thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội; thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp; giải quyết khiếu nại, tố cáo; an toàn thực phẩm…
Ở tất cả 63 tỉnh, thành phố, hầu hết các huyện và các xã đã triển khai hoạt động giám sát theo nhu cầu của địa phương, có sự phối hợp chặt chẽ với cấp ủy và chính quyền các cấp. Ở Trung ương, MTTQVN và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức thành viên đã tổ chức thực hiện 10 chương trình giám sát. Ở địa phương, 63 tỉnh thành đã tổ chức 721 cuộc giám sát, cấp huyện tổ chức trên 6.400 cuộc và cấp xã tổ chức được trên 49.500 cuộc.
Hoạt động giám sát đã trở thành một hoạt động thường xuyên, trọng tâm và có tác động thực tế, đột phá tại nhiều địa phương. Công tác phản biện xã hội cũng được triển khai thực chất, sâu rộng và hiệu quả. Ở cấp tỉnh, MTTQVN và các tổ chức chính trị - xã hội đã tổ chức được 784 cuộc phản biện xã hội; cấp huyện, chủ trì phản biện xã hội được trên 4.000 cuộc, cấp xã được trên 25.800 cuộc. Các hoạt động giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQVN đã góp phần làm sáng tỏ một cách khách quan những kết quả và hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật của chính quyền các cấp và các sở, ban, ngành; kiến nghị những giải pháp nhằm thực hiện, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, tổ chức, bảo vệ lợi ích Nhà nước, hạn chế vi phạm pháp luật.
Kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Ban Thường trực UBTWMTTQVN và Ban Dân vận Trung ương có hướng dẫn công tác giám sát, phản biện xã hội 2017 - 2020 trong hệ thống MTTQVN và hệ thống Đảng các cấp. Hàng năm 2 bên phải phối hợp sơ kết công tác giám sát, phản biện xã hội để các hoạt động này đi vào nề nếp, có các cơ sở pháp lý hoàn chỉnh và phát huy tác dụng xã hội ngày càng hiệu quả hơn. MTTQVN, các đoàn thể chính trị - xã hội trung ương và địa phương, đơn vị tiếp tục nghiên cứu kiến nghị hoàn chỉnh các cơ chế còn thiếu, chưa đồng bộ; đồng thời phối hợp tham mưu, đề xuất thể chế hóa các quan điểm chủ trương của Đảng về đoàn kết toàn dân tộc; phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", mối quan hệ "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ; hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát huy vai trò của Nhân dân trong quyết định những vấn đề lớn của đất nước; đảm bảo tất cả quyền lực của Nhà nước thuộc về Nhân dân, nâng cao hiệu quả, tính thiết thực trong hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Đồng thời chủ động phối hợp với các tổ chức, cơ quan hữu quan, các chuyên gia có kinh nghiệm trên các lĩnh vực tham gia vào giám sát, phản biện; nắm bắt dư luận để xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội đảm bảo yêu cầu thực tiễn và đạt hiệu quả thiết thực; MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp cần tiếp tục tập huấn chuyên sâu, chia sẻ kinh nghiệm, nhân rộng mô hình hay, cách làm tốt; tích cực nâng cao hiệu quả chuyên môn, bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền./.