1. Triển khai thực hiện nhiệm vụ chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2017: Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2017 của Chính phủ, UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2017. Theo đó, yêu cầu các sở, ban ngành, đơn vị thuộc tỉnh và UBND các huyện, thành phố tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2017 theo Quyết định số 18/QĐ-UBND ngày 10/01/2017 của UBND tỉnh. Tăng cường thu hồi nợ đọng thuế, thu hồi các khoản tạm ứng ngân sách, chủ động xử lý, sắp xếp lại nhiệm vụ kể cả nhiệm vụ phát sinh trong phạm vi dự toán giao; giãn tiến độ thực hiện các nhiệm vụ chưa cấp thiết vào cuối năm và chỉ thực hiện khi cân đối được nguồn. Thực hiện quản lý chặt chẽ chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2017 theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, trong đó tập trung thực hiện các nhiệm vụ: dừng triển khai và hủy dự toán đối với các khoản chi thường xuyên nguồn vốn trong nước; thực hiện tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên, chi cho bộ máy quản lý nhà nước, chi hoạt động của đơn vị sự nghiệp công.... UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, đơn vị dự toán cấp I tuyến tỉnh và UBND các huyện, thành phố trong phạm vi quản lý của mình tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ như: Phổ biến, chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị dự toán trực thuộc, các cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị tổ chức thực hiện các yêu cầu; tiếp tục bám sát các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh, chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành và triển khai thực hiện.
2. Tăng cường công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi: Triển khai ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Công văn số số 4341/VPCP-NC ngày 27/4/2017 của Văn phòng Chính phủ, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan liên quan và UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ tiếp tục tổ chức triển khai, thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc cấp phép, quản lý hoạt động khai thác cát, sỏi và phòng chống vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông, đặc biệt là Thông báo Kết luận số 357/TB-VPCP ngày 06/11/2015, Thông báo số 161/TB-VPCP ngày 24/3/2017 của Văn phòng Chính phủ và chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 904/UBND-HTKT ngày 05/4/2017. Đề nghị Công an tỉnh đẩy mạnh công tác đấu tranh, xử lý hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn tỉnh; tổng hợp tình hình, kết quả công tác quản lý nhà nước và phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi tại các địa phương, định kỳ hàng tuần báo cáo UBND tỉnh.
3. Giải pháp ổn định phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh về ổn định phát triển chăn nuôi lợn; để tháo gỡ các khó khăn cho ngành chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lợn, giúp người chăn nuôi giảm bớt khó khăn, ổn định phát triển, các đơn vị, địa phương cần tập trung thực hiện một số giải pháp: (1) Giảm nguồn cung, mở rộng thị trường tiêu thụ, tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi: Tuyên truyền, làm việc cụ thể với các doanh nghiệp chế biến, các hộ tiêu thụ lớn về thịt (các khu công nghiệp, các đơn vị lực lượng vũ trang, các trường học) để đẩy mạnh tiêu thụ, sử dụng sản phẩm thịt trong tỉnh nhằm chia sẻ bớt khó khăn với người chăn nuôi; tuyên truyền, khuyến cáo các đơn vị sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi trên địa bàn rà soát quy trình sản xuất, điều chỉnh giá bán phù hợp trên tinh thần chia sẻ với người chăn nuôi vượt qua khó khăn trước mắt; hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, thức ăn và quy trình chăm sóc nuôi dưỡng nhằm hạ giá thành sản xuất ở mức thấp nhất trong điều kiện có thể; hướng dẫn các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng xem xét giãn nợ, miễn giảm lãi đối với các khoản vốn đã vay và tiếp tục cho vay mới đối với những hộ gia đình, cá nhân, tổ chức có nhu cầu vay cho phát triển chăn nuôi và sản xuất; (2) Tăng cường thu mua, giết mổ, cấp đông thịt lợn: Làm việc với các doanh nghiệp, cơ sở chế biến, giết mổ có năng lực dự trữ, chế biến tăng cường thu mua giết mổ cấp đông thịt lợn trong các tháng mùa hè sắp tới; rà soát chi phí trong các khâu nhằm giảm chi phí trung gian, giảm sự chênh lệch giữa giá thu mua và giá bán lẻ; tổ chức chương trình kết nối giữa doanh nghiệp và vùng sản xuất, tăng cường thu mua chế biến cấp đông; kêu gọi các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường ký kết các hợp đồng tiêu thụ lợn thịt với các trang trại chăn nuôi để tạo nguồn cung ổn định phục vụ công tác bình ổn và bảo đảm thu mua lợn thịt cho người chăn nuôi với giá cả hợp lý. Tạo điều kiện cho các cơ sở giết mổ, chế biến phát huy tối đa công suất sản xuất các sản phẩm thành phẩm và dự trữ thịt lợn góp phần tạo nguồn tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho người chăn nuôi; tăng cường quản lý thị trường, giảm khâu trung gian, quản lý tốt giá cả, tạo thuận lợi cho người chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm; (3) Giảm quy mô đàn lợn, nhất là đàn lợn nái: Xây dựng, hướng dẫn, giám sát việc thực hiện phát triển chăn nuôi gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm; thực hiện giảm quy mô đàn lợn, nhất là đàn lợn nái, điều chỉnh lại cơ cấu chất lượng đàn giống, phương thức chăn nuôi phù hợp với từng phân khúc thị trường; tổ chức lại sản xuất chăn nuôi theo chuỗi liên kết từ cung cấp đầu vào cho sản xuất đến chế biến, tiêu thụ; trong đó phát huy tối đa vai trò của doanh nghiệp, Hiệp hội và Hợp tác xã, chủ trang trại nhằm kiểm soát tốt hơn về chất lượng, an toàn thực phẩm và điều tiết cung cầu thị trường các sản phẩm chăn nuôi.
4. Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030: Nhằm phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trọng tâm để đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa, góp phần phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Theo đó, đến năm 2020, phấn đấu phát triển ngành du lịch văn hóa bình quân đạt 24,3% trong tổng doanh thu từ khách du lịch của tỉnh; tập trung phát triển một số ngành có lợi thế, tiềm năng như: Nghệ thuật biểu diễn (trình diễn dân gian); đồ thủ công mỹ nghệ; du lịch văn hóa, sinh thái, tâm linh; gắn với việc khai thác không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên… từng bước đa dạng hóa các sản phẩm công nghiệp văn hóa giữ được truyền thống văn hóa dân tộc trong từng sản phẩm trên địa bàn tỉnh; định hướng và từng bước phát triển các ngành: mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; phát thanh, truyền hình.... Kế hoạch đề ra các nhóm nhiệm vụ triển khai, như: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức; về cơ chế, chính sách; phát triển nguồn nhân lực; tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ; thu hút, hỗ trợ đầu tư và phát triển thị trường; mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế. Theo Kế hoạch, một số ngành công nghiệp văn hóa để phát triển, gồm: Du lịch văn hóa, sinh thái; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; quảng cáo; kiến trúc, điện ảnh.
5. Tăng cường năng lực quản lý và thực thi có hiệu quả pháp luật bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan: Triển khai Quyết định số 88/QĐ-TTg ngày 20/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án Tăng cường năng lực quản lý và thực thi có hiệu quả pháp luật bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2020, các cơ quan quản lý và thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan của tỉnh được củng cố, kiện toàn, đồng bộ và có sự phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành; hỗ trợ cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 đối với hoạt động đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan; cán bộ quản lý và thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan; chủ thể có liên quan được tham gia các chương trình tập huấn nghiệp vụ do trung ương tổ chức hàng năm. Đến năm 2025, các sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố bố trí cán bộ kiêm nhiệm hoặc chuyên trách quản lý và thực thi về quyền tác giả và quyền liên quan; hỗ trợ cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 đối với hoạt động đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan; cán bộ quản lý và thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan từ tỉnh đến cơ sở được tham gia các chương trình tập huấn nghiệp vụ.... Để đạt mục tiêu trên, các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện được đề ra là: Tăng cường tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các ngành, đoàn thể, địa phương và toàn xã hội về thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan; rà soát, đánh giá việc triển khai và thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan trên địa bàn tỉnh để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về quản lý và thực thi quyền tác giả, quyền liên quan bảo đảm phù hợp thông lệ quốc tế và phù hợp với thực tiễn; tăng cường năng lực quản lý và thực thi; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin Tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật cho các chủ thể quyền, cá nhân, tổ chức khai thác, sử dụng và công chúng.
6. Đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình: Triển khai Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 29/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, cụ thể: Tổ chức thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chương trình, kế hoạch của UBND tỉnh về công tác gia đình; tiếp tục lồng ghép triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình bằng các hình thức thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện, đặc thù của ngành, địa phương. Tổ chức triển khai rộng rãi Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Chú trọng việc thực hiện nội dung giáo dục chuyển đổi nhận thức, hành vi về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trong hệ thống các cơ sở giáo dục. Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về đạo đức, lối sống trong gia đình cho cán bộ, chiến sỹ, người lao động thuộc các đơn vị lực lượng vũ trang. Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về gia đình. Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình. Tăng cường xây dựng phóng sự, đưa tin các gương điển hình, các mô hình mẫu về giáo dục đời sống gia đình, xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc bền vững. UBND tỉnh đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên có liên quan lồng ghép công tác truyền thông, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình vào các cuộc vận động, các phong trào; bằng nhiều hình thức, các cấp hội tập trung truyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống gia đình cho hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân.
7. Triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đối với thức ăn đường phố: Nhằm từng bước kiểm soát điều kiện ATTP đối với kinh doanh thức ăn đường phố, góp phần giảm thiểu ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, UBND ban hành Kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) đối với thức ăn đường phố trên địa bàn tỉnh năm 2017. Theo đó, thời gian triển khai từ giữa tháng 5/2017 đến tháng 12/2017 với các nội dung hoạt động: (1) Triển khai các hoạt động truyền thông bảo đảm ATTP; (2) Tổ chức tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác quản lý ATTP tuyến huyện, tuyến xã; (3) Tổ chức cấp giấy xác nhận kiến thức về ATTP cho đối tượng kinh doanh thức ăn đường phố; (4) Tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người kinh doanh thức ăn đường phố và ký cam kết bảo đảm ATTP; (5) Kiểm tra việc thực hiện bảo đảm ATTP đối với cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố; (6) Tổng kết đánh giá công tác bảo đảm ATTP đối với kinh doanh thức ăn đường phố.
8. Triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường vai trò của người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số”: Thực hiện Quyết định số 2561/QĐ-TTg ngày 31/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh giao Ban Dân tộc chủ trì xây dựng và triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Đề án phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc rà soát, bổ sung, thay thế danh sách người có uy tín trên địa bàn tỉnh. Các ngành có liên quan tổ chức vận động, phát huy vai trò và thực hiện chế độ, chính sách đối với người có uy tín theo chức năng, nhiệm vụ được giao và quy định của ngành; đối với các địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh - trật tự, xây dựng kế hoạch cụ thể để vận động người có uy tín phục vụ công tác phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh, chính trị và trật tự an toàn tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hướng dẫn các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của xã hội về vị trí, vai trò của người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố, giao cơ quan làm công tác dân tộc cấp huyện là bộ phận thường trực tham mưu triển khai Đề án tại địa phương; bố trí kinh phí để triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Đề án phù hợp với điều kiện cụ thể./.