Theo Chương trình, UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban ngành, các đơn vị trực thuộc; UBND các huyện, thành phố và Giám đốc các doanh nghiệp Nhà nước thuộc tỉnh tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: (a) Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy sản xuất kinh doanh theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả; (b) Quản lý chặt chẽ thu chi ngân sách nhà nước, đảm bảo thu đúng, thu đủ, chống thất thu, giảm nợ đọng thuế; (c) Chống lãng phí trong mua sắm tài sản nhà nước qua việc đẩy mạnh mua sắm theo phương thức tập trung; (d) Chống lãng phí trong sử dụng nguồn lực lao động, nâng cao chất lượng lao động, tăng hiệu suất, hiệu quả lao động; (đ) Chống lãng phí trong sử dụng tài nguyên thiên nhiên, trong xử lý ô nhiễm môi trường; (e) Triển khai quyết liệt các quy định về chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần, thực hiện có hiệu quả cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp, giảm mạnh chi ngân sách nhà nước cho khu vực này; (g) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt pháp luật, qu định có liên quan đến công tác THTK, CLP; (h) Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, định mức, chế độ làm cơ sở cho THTK, CLP; (i) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm quy định về THTK, CLP.
Chương trình xác định, THTK, CLP được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực theo quy định của Luật THTK, CLP, trong đó, tập trung vào một số lĩnh vực cụ thể, như:
1. Trong quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước: Tiếp tục đẩy mạnh quản lý chặt chẽ, tiết kiệm chi tiêu ngân sách nhà nước để giảm tỷ trọng chi thường xuyên, góp phần cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước; tiếp tục thực hiện đổi mới cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tăng cường phân cấp và tăng cường tự chủ về tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nhân lực, tài chính trên cơ sở có tính đến đặc thù của từng loại hình dịch vụ, khả năng và nhu cầu thị trường, trình độ quản lý..., đẩy nhanh tiến độ triển khai cơ chế tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh; từng bước thực hiện đổi mới phương thức quản lý ngân sách nhà nước theo kết quả thực hiện nhiệm vụ theo đúng quy định của Luật ngân sách nhà nước năm 2015 để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, góp phần cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước, bảo đảm tỷ lệ hợp lý giữa chi thường xuyên, chi đầu tư và chi trả nợ; cắt giảm 100% việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành các công trình xây dựng cơ bản, trừ các công trình quan trọng quốc gia...
2. Trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước: Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các quy định của Luật đầu tư công, bảo đảm thực hiện hiệu quả Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; tăng cường các biện pháp THTK, CLP trong tất cả các khâu của quá trình đầu tư để bảo đảm đầu tư tập trung, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán; thực hiện tiết kiệm từ khâu quy hoạch, chủ trương đầu tư; tăng cường công tác rà soát; chống lãng phí, nâng cao chất lượng công tác khảo sát, thiết kế, giải pháp thi công, thẩm định dự án; tạm ứng, thanh toán vốn đầu tư theo đúng quy định của Nhà nước, đảm bảo tiến độ thực hiện dự án và thời hạn giải ngân, sử dụng vốn hiệu quả; tăng cường đấu thầu rộng rãi, công khai theo quy định; rà soát các dự án kéo dài nhiều năm, hiệu quả đầu tư thấp để có hướng xử lý, có biện pháp hoàn tạm ứng đối với các khoản tạm ứng quá hạn, xử lý dứt điểm các khoản tạm ứng của các dự án kéo dài nhiều năm; tăng cường công tác theo dõi, kiểm tra, đánh giá đối với 100% kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
3. Trong quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia và các Chương trình mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020: Thực hiện tốt hai Chương trình mục tiêu quốc gia, sử dụng vốn của Chương trình hiệu quả, đúng mục đích, nội dung theo quy định của Trung ương. Thực hiện các Chương trình mục tiêu được phê duyệt theo đúng nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước theo quy định.
4. Trong quản lý, sử dụng đất đai, trụ sở làm việc, nhà công vụ, tài sản công: Tài sản giao cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc và trực thuộc UBND tỉnh được quản lý, sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả và bảo đảm THTK; tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Luật đất đai, quy hoạch sử dụng đất và các văn bản quy phạm pháp luật về sử dụng đất; thực hiện nghiêm các chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý các trụ sở, các cơ sở hoạt động sự nghiệp; việc xây mới trụ sở làm việc phải thực hiện đúng tiêu chuẩn định mức quy định; đẩy nhanh tiến độ phê duyệt và tổ chức thực hiện phương án sắp xếp, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước; hạn chế mua sắm xe ô tô (trừ xe ô tô chuyên dùng) và trang thiết bị đắt tiền; thực hiện mua sắm tài sản theo đúng tiêu chuẩn, định mức và chế độ quy định; thực hiện xử lý kịp thời tài sản của các dự án sử dụng vốn nhà nước sau khi dự án kết thúc theo đúng quy định của pháp luật.
5. Trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên: Đẩy mạnh việc điều tra, đánh giá tiềm năng, trữ lượng, hoàn thiện quy hoạch và tăng cường quản lý, giám sát, sử dụng hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm các nguồn tài nguyên trên địa bàn tỉnh; việc thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản gắn với chế biến, tạo sản phẩm có giá trị kinh tế cao và sử dụng hiệu quả; tăng cường bảo vệ và phát triển rừng, nhất là rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, rừng đặc dụng; tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo và các nguyên liệu, vật liệu mới, thân thiện với môi trường, đẩy mạnh nghiên cứu và xây dựng các dự án sử dụng công nghệ tái chế nước thải và chất thải; xử lý có kết quả các cơ sở sử dụng lãng phí năng lượng, tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về thăm dò, khai thác, chế biến tài nguyên khoáng sản; tăng cường bảo vệ nguồn nước và bảo vệ hệ sinh thái thủy sinh.
6. Trong thành lập các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách: Thực hiện nghiêm việc quản lý các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách theo quy định, từng bước đổi mới cơ chế tài chính của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách theo mô hình tự bảo đảm chi phí hoạt động; từ năm 2017, ngân sách nhà nước không hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.
7. Trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản của Nhà nước tại doanh nghiệp: Thực hiện triệt để tiết kiệm năng lượng, vật tư, chi phí đầu vào; ứng dụng công nghệ mới để nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của hàng hóa, tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh. tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực kinh doanh chính, đẩy mạnh thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo quy định; đổi mới mô hình và nâng cao hiệu quả giám sát tài chính doanh nghiệp; đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà nhà nước không cần nắm giữ.
8. Trong quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động trong khu vực nhà nước: Đến năm 2020, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có số lượng, cơ cấu hợp lý, đủ trình độ và năng lực thi hành công vụ, phục vụ nhân dân, phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước; tiếp tục thực hiện nghiêm quy định về chính sách tinh giản biên chế; phấn đấu tinh giản biên chế giai đoạn 2015 - 2021; giữ ổn định biên chế của các tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp; thực hiện quản lý chặt chẽ thời giờ lao động, kiểm tra, giám sát chất lượng và bảo đảm hiệu quả công việc của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, công sở; tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả Kế hoạch CCHC nhà nước giai đoạn 2016 - 2020; thực hiện rà soát và đơn giản hóa các TTHC liên quan đến công chức, viên chức...
UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban ngành, các đơn vị thuộc tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố xây dựng và chỉ đạo thực hiện Chương trình của cơ quan, đơn vị mình; đồng thời, chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện Chương trình thực hiện của các cơ quan, đơn vị trực thuộc; trong đó, của mỗi cấp, mỗi ngành phải cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm và yêu cầu chống lãng phí của cấp mình, ngành mình, xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm cũng như những giải pháp, biện pháp cần thực hiện để đạt được mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm đã đặt ra. Đồng thời, có trách nhiệm chỉ đạo, quán triệt các nội dung: (a) Xác định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện kiểm tra, kịp thời làm rõ lãng phí khi có thông tin phát hiện để xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân trong phạm vi quản lý có hành vi lãng phí; (b) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện Chương trình; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về THTK, CLP và việc thực hiện Chương trình THTK, CLP trong phạm vi quản lý; (c) Đẩy mạnh việc hoàn thiện hệ thống định mức, tiêu chuẩn, chế độ làm cơ sở THTK, CLP; thực hiện công khai trong THTK, CLP, đặc biệt là công khai các hành vi lãng phí và kết quả xử lý hành vi lãng phí.
Chủ tịch, Giám đốc các Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được Chủ tịch UBND tỉnh quyết định thành lập có trách nhiệm tổ chức xây dựng và thực hiện Chương trình THTK, CLP giai đoạn 2016 - 2020 của Công ty mình, đảm bảo phù hợp với Chương trình THTK, CLP của UBND tỉnh, trong đó, cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm và yêu cầu chống lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản của Nhà nước; xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm và những giải pháp, biện pháp cần thực hiện để đạt được mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm đã đặt ra trong giai đoạn 2016 - 2020.