Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cán bộ, công chức, viên chức nhận thức rõ về vị trí, vai trò của công tác giám định tư pháp trong hoạt động tố tụng cũng như trách nhiệm của cá nhân, đơn vị đối với tổ chức hoạt động giám định tư pháp; tăng cường tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp lý và nghiệp vụ cho đội ngũ giám định viên, người tiến hành tố tụng thuộc thẩm quyền của đơn vị mình.
Các cơ quan, đơn vị liên quan có cơ chế, dự phòng nguồn kinh phí chi trả chi phí giám định, định giá tài sản, tiền bồi dưỡng giám định để bảo đảm đáp ứng kịp thời, không để ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động trưng cầu và thực hiện giám định, cản trở hoạt động tố tụng.
Tổ chức giám định pháp y của Sở Y tế và Công an tỉnh tăng cường nhân lực, nhất là lĩnh vực pháp y tâm thần, chủ động chia sẻ thông tin và phối hợp chặt chẽ trong tổ chức thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh.
Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tập trung thời gian, nguồn lực hoàn thành việc đánh giá toàn diện kết quả đạt được và những vướng mắc, đề xuất với Ban Chỉ đạo Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” tỉnh các giải pháp cụ thể liên quan đến công tác giám định tư pháp thuộc phạm vi quản lý.
Các sở, ngành có liên quan và thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” cấp tỉnh: Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện nghiêm túc các quy định tại Luật giám định tư pháp, Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29/7/2013 của Chính phủ và văn bản chỉ đạo, hướng dẫn có liên quan đến hoạt động giám định tư pháp; thực hiện nghiêm túc công tác báo cáo tình hình triển khai về Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án cấp tỉnh theo dõi, tổng hợp theo quy định.