Đăng nhập
Thứ 3, ngày 23 tháng 4 năm 2024 TimKiem
    THỐNG KÊ TRUY CẬP
NguoiTruyCapTổng số người truy cập:
9959104
HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH
Chỉ đạo nổi bật của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh tuần từ ngày 09-13/11/2020
11/16/2020 1:49:12 PM     
Sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ các Quyết định do UBND tỉnh ban hành; Ban hành biểu giá nước sạch sinh hoạt; Diện tích đất tưới nước, cấp nước hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi năm 2020; Thực hiện các giải pháp bảo vệ nguồn nước cấp cho các mục đích sinh hoạt, sản xuất; Tăng cường công tác phòng chống, ứng phó bão và mưa lũ, sạt lở đất; Triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trong năm 2020; Hỗ trợ khắc phục nhà ở bị thiệt hại do thiên tai gây ra; Định hướng điều hành giá các tháng còn lại năm 2020; Kiểm tra, xử lý các vụ việc vi phạm Luật Lâm nghiệp tại huyện Kon Plông.... là những chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh tuần từ ngày 09-13/11/2020.
Chỉ đạo nổi bật của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh tuần từ ngày 09-13/11/2020

Sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ các Quyết định do UBND tỉnh ban hành

 

Tại Quyết định số 28/2020/QĐ-UBND ngày 10/11/2020, UBND tỉnh: (1) Sửa đổi, bổ sung tiết a, điểm 1.2 khoản 1 Điều 1 của Quyết định số 02/2014/QĐ-UBND ngày 25/01/2014 của UBND tỉnh Kon Tum về quy định chế độ chi tiêu tài chính tổ chức các giải thi đấu thể thao tỉnh Kon Tum; sửa đổi, bổ sung Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 38/2014/QĐ-UBND ngày 21/7/2014 của UBND tỉnh Kon Tum về việc quy định mức chi bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở trên địa bàn tỉnh Kon Tum; (2) Bãi bỏ Quyết định số 25/2018/QĐ-UBND ngày 28/9/2018 của UBND tỉnh Kon Tum ban hành quy định mức khoán lượng nước sạch tiêu thụ làm căn cứ tính phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Kon Tum; (3) Bãi bỏ Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Quyết định số 43/2013/QĐ-UBND ngày 15/10/2013 của UBND tỉnh Kon Tum về việc quy định mức chi đảm bảo công tác cải cách hành chính nhà nước và hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/11/2020.

 

Tại Quyết định số 29/2020/QĐ-UBND ngày 10/11/2020, UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ các Quyết định do UBND tỉnh Kon Tum ban hành về kiểm soát TTHC trên địa bàn tỉnh, cụ thể: (1) Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế hoạt động cán bộ, công chức làm công tác đầu mối kiểm soát TTHC trên địa bàn tỉnh Kon Tum ban hành kèm theo Quyết định số 51/2013/QĐ-UBND ngày 26/12/2013 của UBND tỉnh, gồm: Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 1; sửa đổi, bổ sung Điều 3; sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 6; sửa đổi, bổ sung Điều 9; thay thế các cụm từ "Phòng Kiểm soát TTHC thuộc Sở Tư pháp" thành "Trung tâm Phục vụ hành chính công thuộc Văn phòng UBND tỉnh"; "Sở Tư pháp" thành "Văn phòng UBND tỉnh"; (2) Bãi bỏ Quyết định số 52/2013/QĐ-UBND ngày 26/12/2013 về việc ban hành Quy chế phối hợp công bố, công khai TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước cấp trên địa bàn tỉnh Kon Tum; (3) Bãi bỏ Quyết định số 53/2013/QĐ-UBND ngày 27/12/2013 về việc ban hành Quy định tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về quy định hành chính trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/11/2020.

 

Tại Quyết định số 31/2020/QĐ-UBND ngày 11/11/2020, UBND tỉnh bãi bỏ: (1) Quyết định số 24/2010/QĐ-UBND ngày 08/6/2010 về việc quy định mức trợ cấp xã hội đối với các đối tượng bảo trợ xã hội; (2) Quyết định số 28/2013/QĐ-UBND ngày 11/8/2013 Quy định các mức trợ cấp xã hội hàng tháng; mức hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng và mức hỗ trợ mai táng phí đối với người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 25/11/2020.

 

Ban hành biểu giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn tỉnh

 

Ngày 10/11/2020, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 30/2020/QĐ-UBND quy định giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Kon Tum, cụ thể: (1) Giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn thành phố Kon Tum do Công ty cổ phần Cấp nước Kon Tum cung cấp: Sử dụng từ 01 - 10m/hộ/tháng, giá bán 6.700 đồng/m3; từ trên 10 - 20m/hộ/tháng, giá bán 7.900 đồng/m3; từ trên 20 - 30m3/hộ/tháng, giá bán 9.800 đồng/m3; từ trên 30m3/hộ/tháng, giá bán 14.700 đồng/m3; (2) Giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn các huyện, thành phố Kon Tum do Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường cung cấp là 6.200 đồng/m3.

 

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 22/11/2020 và thay thế Quyết định số 18/2014/QĐ-UBND ngày 11/3/2014 của UBND tỉnh Kon Tum về việc ban hành giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn thành phố Kon Tum.

 

Phê duyệt diện tích đất tưới nước, cấp nước hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi trên địa bàn tỉnh Kon Tum năm 2020

 

Tại Quyết định số 1114/QĐ-UBND ngày 12/11/2020, UBND tỉnh phê duyệt tổng diện tích đất tưới nước, cấp nước hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi năm 2020 của các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh là 20.683,81 ha, cụ thể:

 

(1) Lúa vụ Đông Xuân 6.006,78ha (trong đó: Biện pháp tưới bằng trạm bơm điện 184,42 ha, biện pháp tưới tự chảy 5.822,36 ha); (2) Lúa vụ Mùa 6.771,0 ha (trong đó: Biện pháp tưới bằng trạm bơm điện 60,7 ha, biện pháp tưới tự chảy 6.710,3 ha); (3) Cây công nghiệp dài ngày 6.602,5ha (trong đó: Biện pháp tưới bằng trạm bơm điện 6,3 ha, biện pháp tưới tự chảy 4.679,45 ha, biện pháp tưới tạo nguồn 1.916,75ha); (4) Rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày 1.202,86 ha (trong đó: Biện pháp tưới bằng trạm bơm điện 248,55 ha, biện pháp tưới tự chảy 885,11 ha, biện pháp tưới tạo nguồn 69,2 ha); (5) Nuôi trồng thủy sản 55,67ha (biện pháp tưới tự chảy).

 

Diện tích đất tưới nước, cấp nước hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi trên là cơ sở để nghiệm thu, thanh quyết toán tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi năm 2020.

 

Thực hiện các giải pháp bảo vệ nguồn nước cấp cho các mục đích sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh nước sạch

 

Triển khai đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan và UBND các huyện, thành phố rà soát, lập và trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình theo quy định; kiểm soát chặt chẽ việc xả thải vào hệ thống sông, hồ, nguồn nước để bảo đảm cấp nước an toàn cho Nhân dân, đặc biệt là các nguồn nước có sử dụng cho mục đích sinh hoạt, sản xuất nước sạch; tham mưu ban hành danh mục nguồn nước nội tỉnh theo quy định; theo dõi, đôn đốc các tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành các công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước chưa có giấy phép tài nguyên nước nghiêm túc chấp hành việc lập hồ sơ đề nghị cấp phép theo quy định.

 

Yêu cầu các cơ quan liên quan và UBND các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường để triển khai thực hiện; tăng cường quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh nước sạch, bảo đảm cấp nước an toàn, liên tục theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh.

 

Tăng cường công tác phòng chống, ứng phó bão số 12, bão số 13 và mưa lũ, sạt lở đất

 

Để chủ động trong công tác phòng, chống ứng phó bão số 12, bão số 13 và mưa lũ, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh yêu cầu:

 

Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thành phố: Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo về công tác phòng chống, ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác, ý thức, kỹ năng ứng phó với thiên tai; tăng cường công tác cảnh báo, theo dõi, giám sát thiên tai, bảo đảm kịp thời; Phân công thành viên bám sát địa bàn các xã xung yếu để kịp thời phối hợp với chính quyền địa phương cấp xã chỉ đạo công tác phòng, ứng phó với thiên tai và khắc phục những thiệt hại sau mưa, lũ; Chủ động rà soát chuẩn bị tốt lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng ứng phó, xử lý, khắc phục các tình huống thiên tai, sự cố và tìm kiếm cứu nạn xảy ra; có phương án bảo vệ, đảm bảo an toàn về người và tài sản của Nhân dân và đảm bảo an ninh trật tự nơi xảy ra sự cố, thiên tai, khu vực sơ tán của người dân.

 

Yêu cầu các thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được phân công phụ trách địa bàn theo dõi, phối hợp, kịp thời chỉ đạo công tác phòng, chống, ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; triển khai thực hiện tốt các phương án phòng, chống, ứng phó thiên tai tại các địa bàn phụ trách nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra. Tổng hợp, tham mưu đề xuất Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh các giải pháp, biện pháp trong công tác PCTT và TKCN để triển khai thực hiện.

 

Triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trong năm 2020

 

Thực hiện Kết luận của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban ngành, đơn vị thuộc UBND tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tập trung rà soát, triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ còn lại trong năm 2020; đồng thời chuẩn bị, thực hiện tốt công tác tổng kết năm 2020, đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2021 đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương.

 

Tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh, trong đó chủ động, khẩn trương huy động các lực lượng, nguồn lực tập trung khắc phục những thiệt hại do bão số 9 và mưa lũ gây ra trong thời gian qua; rà soát, thống kê đầy đủ nhà ở bị thiệt hại theo chỉ đạo của UBND tỉnh để báo cáo Chính phủ hỗ trợ kinh phí theo quy định nhằm sớm phục hồi sản xuất, ổn định đời sống của người dân, nhất là các huyện Kon Plông, Tu Mơ Rông và Đăk Glei. Đồng thời, tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết và rà soát, đánh giá kỹ các khu vực nguy hiểm  để chủ động triển khai các kế hoạch, phương án phòng, chống, ứng phó với bão, mưa lũ trong thời gian tới, nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

 

Giao Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị chủ rừng tiếp tục nghiên cứu, có giải pháp và kế hoạch cụ thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; kịp thời phát hiện, xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm theo quy định đối với các trường hợp vi phạm.

 

Hỗ trợ khắc phục nhà ở bị thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh

 

Triển khai Nghị quyết số 165/NQ-CP ngày 05/11/2020 của Chính phủ và ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Công văn số 30-CV/TU ngày 10/11/2020, UBND tỉnh thống nhất triển khai hỗ trợ khắc phục thiệt hại nặng nề về nhà ở do thiên tai gây ra trong tháng 10/2020, cụ thể:

 

Đối tượng, mức hỗ trợ và nguồn kinh phí hỗ trợ: (1) Đối với nhà bị sập, đổ, trôi hoàn toàn (thiệt hại trên 70%), hỗ trợ 50 triệu đồng/hộ cho đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn (nguồn kinh phí hỗ trợ, ngân sách Trung ương 40 triệu đồng/hộ; nguồn Quỹ cứu trợ tỉnh 10 triệu đồng/hộ); Hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ cho các đối tượng còn lại (nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách trung ương); (2) Đối với nhà bị hư hỏng nặng (thiệt hại từ 30%-70%), hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ cho đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn (nguồn kinh phí hỗ trợ, ngân sách Trung ương hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ và Quỹ cứu trợ tỉnh 10 triệu đồng/hộ); hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ cho các đối tượng còn lại (nguồn kinh phí hỗ trợ, từ ngân sách Trung ương).

 

Giao Chủ tịch UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo khẩn trương rà soát kỹ, xác định chính xác đối tượng, mức độ nhà ở bị thiệt hại được hỗ trợ theo quy định, phê duyệt danh sách và chịu trách nhiệm về số lượng, đối tượng hỗ trợ, mức độ thiệt hại nhà ở do thiên tai gây ra trong tháng 10/2020 trên địa bàn huyện, gửi về Sở Nông nghiệp và PTNT để chủ trì, phối hợp Ủy Ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh cấp kinh phí triển khai thực hiện.

 

Trước mắt, UBND các huyện, thành phố căn cứ danh sách đối tượng hỗ trợ đã được Chủ tịch UBND huyện phê duyệt, chủ động ứng trước kinh phí từ ngân sách huyện để triển khai hỗ trợ cho Nhân dân khắc phục kịp thời thiệt hại về nhà ở do thiên tai gây ra trong tháng 10 năm 2020.

 

Ngoài các nguồn kinh phí hỗ trợ nêu trên, UBND các huyện, thành phố sử dụng các nguồn tài chính hợp pháp khác của ngân sách cấp mình để hỗ trợ khắc phục về nhà ở do thiên tai gây ra theo quy định; huy động các lực lượng tại chỗ (Quân đội, Công an, đoàn thanh niên và cộng đồng dân cư tại địa bàn,...) tập trung mọi nguồn lực hỗ trợ giúp đỡ, khắc phục xây dựng nhà ở, sớm ổn định đời sống, sinh hoạt cho Nhân dân trên địa bàn.

 

Định hướng điều hành giá những tháng còn lại năm 2020

 

Triển khai ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về kết quả công tác điều hành giá 9 tháng đầu năm 2020 và định hướng điều hành giá những tháng còn lại năm 2020, UBND tỉnh yêu cầu:

 

Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai đồng bộ, hiệu quả và quyết liệt các biện pháp trong công tác kiểm soát dịch bệnh; tăng cường tái đàn; kiểm soát chặt chẽ các khâu nhằm góp phần bình ổn thị trường thịt lợn, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; triển khai tốt các chương trình bình ổn thị trường để tiếp tục giảm giá thịt lợn về mức hợp lý. Theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường để có biện pháp cân đối cung cầu nhằm ổn định thị trường đối với các mặt hàng thiết yếu cho tiêu dùng nhằm ổn định thị trường; có giải pháp kiểm tra chặt chẽ chất lượng thực phẩm, đặc biệt đối với mặt hàng thịt lợn.

 

Sở Công Thương tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, giám sát hoạt động buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh. Xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, các thủ đoạn gian lận thương mại để tăng giá nhằm thu lợi bất chính theo quy định của pháp luật; kiểm soát các thông tin thất thiệt gây bất ổn thị trường. Theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu để có giải pháp bình ổn thị trường phù hợp; phối hợp các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh triển khai kế hoạch dự trữ nguồn hàng đáp ứng nhu cầu thường tăng cao vào cuối năm để hạn chế tăng giá.

 

Sở Tài chính kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; hàng hóa, dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước; hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công. Phối hợp với các ngành, tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm pháp luật về giá trong việc thực hiện niêm yết, kê khai, đăng ký giá đối với những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu, hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục kê khai giá theo quy định.

 

Sở Giao thông vận tải kiểm soát chặt chẽ phương án kê khai giá cước vận tải hành khách tuyến cố định bằng đường bộ; cước vận tải hành khách bằng Taxi, tránh lợi dụng tăng giá bất hợp lý.

 

UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và các lực lượng chức năng theo dõi sát tình hình giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để kịp thời có giải pháp bình ổn thị trường theo thẩm quyền, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao vào dịp cuối năm và các hàng hóa nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt của người dân đang khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về giá trên địa bàn; xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm.

 

Kiểm tra, xử lý các vụ việc vi phạm Luật Lâm nghiệp tại huyện Kon Plông

 

Từ phản ánh của các cơ quan thông tin đại chúng về phát hiện 02 vụ phá rừng trên địa bàn huyện Kon Plông, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND huyện Kon Plông và các đơn vị, địa phương có liên quan khẩn trương chỉ đạo các đơn vị trực thuộc kiểm tra, xác minh, làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định đối với các đối tượng và hành vi vi phạm trong các vụ việc nêu trên. Kiểm tra, làm rõ và xử lý nghiêm trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân có liên quan theo quy định khi để xảy ra các vụ việc phá rừng trái phép nêu trên nhưng không kịp thời phát hiện, ngăn chặn. Hoàn thành các nội dung trên và báo cáo kết quả về UBND tỉnh trong tháng 11/2020.

 

Ngày 07 và 08 tháng 11/2020, trên một số báo điện tử và Đài Truyền hình Việt Nam đã phản ánh: Trong vòng 03 ngày cuối tháng 10/2020, lực lượng chức năng huyện Kon Plông đã phát hiện 02 vụ phá rừng trên địa bàn huyện với tổng khối lượng gỗ bị khai thác trái phép là 28 lóng gỗ tròn, khối lượng 5,942 m3.

Cổng Thông tin điện tử tỉnh  
Bài viết trước:
Icon  Đoàn cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục thăm quan Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Kon Tum
Icon  Chỉ đạo nổi bật của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh tuần từ ngày 02-06/11/2020
Icon  Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức Hội nghị công tác viên Cổng Thông tin điện tử năm 2020
Icon  Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải quyết TTHC liên quan đến việc chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế về đất đai
Icon  Tập trung phòng, chống, ứng phó bão số 9 và mưa lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất
Icon  Tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh mùa Đông Xuân trên địa bàn tỉnh.
Icon  Chỉ đạo của UBND tỉnh về tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.
Icon  Tăng cường công tác phòng, chống thiên tai, khắc phục hậu quả thiên tai
Icon  Đảm bảo an toàn giao thông học đường trên địa bàn tỉnh
Icon  Ký kết hợp tác thanh toán không dùng tiền mặt và thu phí, lệ phí tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh
Thông báo

Best Replica Watches audemars piguet replica

Trang chủ        |      Đăng nhập      
 © TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VĂN PHÒNG ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM
    Chịu trách nhiệm:  Nguyễn Đăng Trình; Chức vụ: Chánh Văn phòng UBND tỉnh Kon Tum. 
    Địa chỉ: 492 Trần Phú, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Email: vpubnd@kontum.gov.vn;vanthu-kontum@chinhphu.vn; Điện thoại: 02603862320
    Bản quyền thuộc Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum
Chung nhan Tin Nhiem Mang